Kể từ khi khoa học hiện đại công bố những điều kỳ diệu về nguyên tử và vật lý lượng tử, nhiều người đã tự hỏi phải chăng linh hồn là có thật và phải chăng quan điểm hoàn toàn duy vật về vũ trụ là sai.
21 gram và điện quang
Từ năm 1901, bác sĩ Duncan MacDougall đã tiến hành một thí nghiệm khoa học để xác minh sự tồn tại của linh hồn. Ông cân những người bệnh ngay trước và sau khi tử vong. MacDougall thấy rằng cơ thể họ nhẹ hơn trung bình 21 gram sau khi chết và kết luận rằng thứ đã bị mất hẳn phải là linh hồn. Tuy nhiên, khoa học hiện đại lại giải thích hiện tượng sụt cân này bằng cách quy cho các yếu tố sinh lý như đổ mồ hôi.
Một nhân vật rất thú vị trong nghiên cứu hiện đại về linh hồn là nhà vật lý người Nga Konstantin Korotkov. Ông đã sử dụng phương pháp chụp ảnh Kirlian, một kỹ thuật chụp ảnh điện sinh học, trong nghiên cứu của mình về bản chất của linh hồn. Trong thực tế, ông đã chỉnh sửa và tạo ra một phiên bản cao cấp hơn mà ông gọi là điện quang.
Theo Korotkov, ta có thể chụp ảnh linh hồn và hào quang của con người bằng cách sử dụng kỹ thuật này. Thật không may, hầu hết mọi người đều coi đó là sự gian lận. Tuy nhiên, Korotkov nói rằng hơn 300 bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật của ông để phân tích sức khỏe của bệnh nhân.
Vật lý lượng tử và linh hồn
Nếu có một lĩnh vực khoa học thu hút đông đảo sự quan tâm và nghiên cứu về sự tồn tại của linh hồn trong thế kỷ này, thì đó là vật lý lượng tử. Nhiều nhà vật lý tin rằng thế giới này chỉ là một phần trong vũ trụ rộng lớn và khi một người chết đi, linh hồn của họ sẽ rời khỏi thế giới vật chất để tiến nhập sang thế giới khác mà con người vẫn chưa khám phá ra.
Theo lý thuyết lượng tử về ý thức, linh hồn con người sống trong những vi ống (microtube) nhỏ bên trong các tế bào não. Được đề xuất bởi Tiến sĩ Stuart Hameroff từ Mỹ và nhà vật lý Sir Roger Penrose đến từ Anh, lý thuyết này cho biết thông tin bên trong vi ống sẽ rời khỏi cơ thể và hòa vào vũ trụ vào thời điểm một người chết đi. Nếu người đó được đầu thai, thông tin lượng tử sẽ trở lại các vi ống. Còn nếu người đó không được đầu thai, thông tin lượng tử sẽ vẫn còn trong vũ trụ như một linh hồn vô định.
Cũng có những nhà khoa học cho rằng linh hồn có các đặc tính giống như bất kỳ vật chất nào khác, chỉ là chúng ta chưa quan sát được sự tương tác của chúng với thế giới vật chất này.
Tiến sĩ Christian Hellwig, thuộc Viện Hóa lý sinh Max Planck (Institute for Biophysical Chemistry) ở Göttingen, Đức nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Express rằng: “Suy nghĩ, ý chí, ý thức và cảm xúc của chúng ta thể hiện những đặc tính có thể được gọi là đặc tính tâm linh. Những thứ không có sự tương tác trực tiếp với các lực cơ bản của khoa học tự nhiên như lực hấp dẫn, lực điện từ… có thể thuộc về tâm linh”.
Ông cũng cho biết các đặc tính tâm linh này có đặc điểm tương tự như các hiện tượng không thể giải thích được trong thế giới lượng tử.
Lý thuyết lượng tử chia thế giới quan thành hai phần: phần “bề nổi”, nơi có thể dùng toán học cổ điển để giải thích hiện tượng vật lý; và phần “chìm”- phần không có kiến thức toán học nào gần đây có thể giải thích được. Và nhiều nhà vật lý lượng tử đã đưa ra giả thuyết rằng có khả năng linh hồn nằm trong phần “chìm”.
Quan điểm lượng tử về sự tồn tại của linh hồn cũng giải quyết một vấn đề lớn khác, đó là vấn đề đạo đức. Quan niệm “chết là hết” hiện nay khiến người ta có thể bỏ qua những hành vi bất thiện của mình, không sợ quả báo trong tương lai, và viện lý do rằng: “Tính tôi cha sinh mẹ đẻ nó như vậy!”, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh lớn lên,… Nhưng khi khoa học công nhận khả năng tồn tại của linh hồn, đồng nghĩa với việc lúc con người chết đi, linh hồn vẫn tồn tại và tiếp tục chịu trách nhiệm cho những hành động tốt xấu của họ khi còn sống, điều này sẽ góp phần duy trì một mức độ đạo đức ổn định trong xã hội.
Vượt ra ngoài những khuôn mẫu
Khoa học đã và vẫn tiếp tục cho chúng ta thấy những định nghĩa mới hơn về sự tồn tại của linh hồn. Nhưng điều đáng lo ngại trong khoa học hiện đại là việc từ chối nhìn nhận những gì không thể giải thích hoặc không nằm trong khuôn mẫu của các lý thuyết đã được lập ra trước đó. Phương pháp tiếp cận khoa học này khá là không khoa học.
Chúng ta cần phải vượt ra ngoài những khuôn mẫu và không nên sợ hãi khi một định lý được chứng minh là sai hoặc cần chỉnh sửa. Sau đó với cái nhìn mới, chúng ta có thể khám phá ra một loạt kiến thức chưa được biết đến và làm cho khoa học một lần nữa trở nên hết sức thú vị.
Có thể những nghiên cứu này sẽ không nhận được giải thưởng hoặc sự công nhận nào. Nhưng đó chắc chắn sẽ là sự khởi đầu dũng cảm cho các nghiên cứu hướng đến những khám phá khoa học tiến bộ hơn và mang lại cảm giác phiêu lưu đúng với bản chất của khoa học – đó là theo đuổi sự thật.
>>> 7 chỗ mê lớn về vũ trụ mà nhân loại vẫn chưa giải được
Hồng Liên, theo Vision Times