Phong thủy từ xưa đến nay rất được trú trọng. Người ta mua đất, xây nhà đều xem phong thủy nơi đó ra sao, bởi họ cho rằng nó có thể ảnh hưởng đến cát hung, họa phúc của gia chủ. Nhưng suy cho cùng, cầu bên ngoài không bằng tìm bên trong, thiện tâm hành thiện mới là phong thủy tốt nhất của đời người.
4 câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này.
Không cần xem phong thủy, có lòng tốt ắt ở nơi phúc địa
Xưa có một người muốn xây nhà, trước khi xây anh ta đã mời thầy phong thủy đến xem long mạch cho nhà mình.
Trên đường đi, từ xa nhìn thấy đàn chim chóc vội vã bay loạn xạ trên cao, dường như sợ hãi điều gì đó. Anh liền quay sang nói với thầy phong thủy rằng: “Chúng ta hãy đợi một chút rồi hẵng vào”.
Rồi anh giải thích: “Trong vườn chim chóc bay loạn xạ, chắc chắn là có trẻ con đang hái trộm đào. Nếu chúng ta đến gần, e rằng sẽ khiến chúng hoảng sợ té ngã xuống đất thì sẽ rất nguy hiểm”.
Thầy phong thủy nghe vậy cười nói với anh rằng: “Vậy không cần xem phong thủy nữa, thiện tâm của anh chính là phong thủy tốt nhất rồi. Anh xây nhà ở đâu thì phong thủy ở đó chắc chắn đều rất tốt đẹp.”
Câu chuyện này đã nói lên một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngày nay, nhiều người đi xem phong thủy, cầu vận may nhưng đâu biết rằng phong thủy tốt nhất của đời người chính là ở tấm lòng lương thiện. Một người hành thiện tích đức thì ắt sẽ được trời đất ban phước lành. Chúng ta làm việc tốt, có thể không được đền đáp ngay lập tức, nhưng đời người là một ván cờ lớn, cứ tích lũy dần thì lòng tốt ấy sẽ biến thành sức mạnh.
Tất nhiên chúng ta làm việc tốt không phải vì mong nhận lại đền đáp, mà bởi vì đó là xuất phát từ thiện tâm. Ở hiền thì sẽ gặp lành, lòng tốt ắt sẽ có phúc báo.
Hiến tặng bảo địa làm trường học, cả gia tộc hưng thịnh suốt 800 năm
Nhà chính trị, nhà văn trứ danh thời Tống là Phạm Trọng Yêm đã viết trong “Nhạc Dương Lâu ký” những câu danh ngôn thiên cổ rằng:
“Không vui buồn vì được mất cá nhân”, “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Những suy nghĩ đó của ông kỳ thực xuất phát từ lòng tín tâm vào Phật giáo. Cả đời ông làm quan thanh liêm, chính trực, luôn lo cho nước cho dân, coi trọng giáo dục.
Có một lần Phạm Trọng Yêm mua được một ngôi nhà ở Tô Châu, thầy phong thủy xem xong ra sức khen ngợi ngôi nhà này có phong thủy thật là tốt, con cháu đời sau nhất định sẽ có tiền đồ, hưởng vinh hoa phú quý.
Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm, nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế chi bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để cho muôn dân trăm họ Tô Châu từ sau có thể vào đây mà học. Tương lai những thế hệ sau này đều có người tài đức, có danh vọng và vinh hiển, chẳng phải là càng có lợi đó sao? Vậy là ngay lập tức ông đem ngôi nhà của mình quyên góp, sửa sang thành học đường. Thực hiện điều ước ấp ủ từ lâu cho những trẻ em nghèo khổ có thể được đi học.
Sau này 4 người con của Phạm Trọng Yêm ai nấy đều tài giỏi, đỗ đạt công danh rạng rỡ. Cả gia tộc ông 800 năm đều hưng thịnh. Nguyên nhân chính là Phạm Trọng Yêm đã tích được phúc đức cho con cháu đời sau, cả gia tộc cũng kiên trì thực hiện theo gia quy của Phạm Trọng Yêm “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Trả lại ngọc giúp thay đổi vận mệnh, làm việc tốt không cần lưu danh
Trong “Tam ngôn lưỡng phách” có chép: Tấn Công Bùi Độ đời Đường khi chưa gặp thời, nghèo rớt mồng tơi, công danh lận đận.
Khi ông còn nhỏ, một vị thầy tướng số đã nói với ông rằng: “Túc hạ có đường vân rắn bay vào miệng, trong vài năm, ắt số mệnh trắc trở, sẽ ăn xin chết đói ở đường phố”.
Một hôm, Bùi Độ ngẫu nhiên đến chùa Hương Sơn dạo chơi thì nhặt được một đai ngọc rất quý giá. Bùi Độ cầm lên xem, nghĩ: “Ngôi chùa này ở nơi vắng vẻ, sao lại có cái đai ngọc quý như thế này?”.
Ông lật xem một lượt, rồi lại nghĩ: “Ắt là có người đại phú quý đến đây lễ Phật thay đồ. Những người hầu sơ ý đã để quên ở đây, nhất định họ sẽ quay lại tìm”. Ông bèn ngồi dưới hành lang chờ đợi.
Chờ mãi, đến tận sáng sớm hôm sau, Bùi Độ thấy một cô gái bộ dạng hớt hải chạy vào trong chùa, kể rằng đã làm mất đai ngọc.
Sau khi xác nhận màu sắc và các đặc điểm của đai ngọc, Bùi Độ đã trả lại đai ngọc cho người phụ nữ mà không cần báo đáp.
Chính vì chuyện này mà Bùi Độ đã tích được đại đức. Khi ông gặp lại thầy tướng số hôm trước, thầy tướng ngạc nhiên nói: “Ông hẳn đã làm việc thiện. Tướng của ông hôm nay khác rất xa với trước đây. Đường âm đức hiện rõ, nhất định sẽ làm quan lớn, phú quý không thể kể xiết”. Sau này quả nhiên ông thi đỗ đạt, làm quan tể tướng trong triều.
Lũ lụt có mắt vòng đường mà đi
Vào tháng 8/2020, Tứ Xuyên Trung Quốc đã hứng chịu một trận lũ lụt lớn nhất lịch sử, nhiều người phải đi sơ tán. Sông Mân, Đại Độ và Thanh Y, ba nhánh của sông Dương Tử có mức độ nước tăng nhanh. Đại Phật Lạc Sơn – Tượng Phật khắc đá lớn nhất thế giới cao 71m ở vị trí hợp lưu của 3 con sông này đã bị ngập trong biển nước.
Vào lúc 5 giờ sáng, ngày 18/8/2020, người dân ở bên sông Thanh Y, thành phố Lạc Sơn nhận được thông báo phải sơ tán ngay lập tức vì đỉnh lũ sẽ ập đến lúc 8 giờ sáng, yêu cầu mọi người nhanh chóng rời khỏi nhà, di chuyển đến nơi an toàn.
Trong thôn có một gia đình là người tu luyện Pháp Luân Công, họ không lập tức dời nhà đi mà tình nguyện ở lại để giúp đỡ những người khác. Dòng nước lũ cứ dâng lên từng thước từng thước. Đến 9 giờ sáng, mặt nước đã ngập hết hoa màu trong thôn, móng nhà dân, ao cá đều bị chìm trong biển lũ, thế nước vẫn đang dần tăng nhanh. Khi nước dâng gần đến cửa nhà học viên Pháp Luân Công, cả gia đình lúc này mới di chuyển đến nơi an toàn.
Đến 4 giờ chiều, nước lũ bắt đầu rút, mọi người lúc này ai nấy cũng đều vội vã về nhà xem tình hình trong nhà của mình ra sao. Điều ngạc nhiên là đê chắn của gia đình vị học viên Pháp Luân Công không hề bị nước tràn vào, trong nhà cũng không có một giọt nước. Trong khi đó, một số khu đất và những ngôi nhà cao hơn lại bị ngập trong biển nước, một số bức tường cũng bị đổ nát.
Càng kỳ lạ hơn nữa, mặc dù nước lũ làm ngập ao cá nhà ông nhưng cá lại không hề gì mà vẫn thản nhiên bơi lội trong ao như chưa có chuyện gì xảy ra. Anh trai của vị học viên Pháp Luân Công này xúc động nói: “Thật là thần kỳ!”.
Phật Pháp vô biên, lòng người có phân chia thiện ác, tốt xấu, trời đất có âm dương, chính phụ. Khi lòng người tồn giữ thiện niệm, thì nhất định sẽ được Thần Phật bảo hộ.
An Nhiên (Theo Minghui.org)