Tinh Hoa

Phiền não đều bởi tâm, hạnh phúc cũng tại tâm

Vương Dương Minh là một trong những nhà triết học vĩ đại trong lịch sử, ông cho rằng mọi phiền não, buồn khổ trong cuộc đời một người đều là do tâm người ấy sinh ra, vậy nên dưỡng tâm chính là giải pháp để an vui, tự tại.

Phiền não đều bởi tâm, hạnh phúc cũng tại tâm. (Ảnh minh họa: Apunte)

Sống ở trên đời, mọi phiền não, sầu muộn đều do tâm sinh ra

>>> Làm người, ngốc một chút mới là hạnh phúc, thông minh quá chỉ mệt mỏi thân mình

Vương Dương Minh là người tuyên thệ lập đức, lập công và lập ngôn. Ông đã kế thừa được tư tưởng của Lục Cửu Châu, một nhà Nho lớn thời Tống và hoàn thiện nó bằng thể ngộ của bản thân mình, hình thành nên một thể hệ “Tâm học” vô cùng độc đáo.

Đối với ông mà nói, sống ở trên đời, mọi phiền não, sầu muộn đều do tâm sinh ra. Nên ông đề xuất 5 quy tắc xử thế là trí huệ tuyệt đỉnh hướng dẫn mọi người cách ức chế những can nhiễu đến từ thế giới bên ngoài.

Mọi phiền não, sầu muộn đều do tâm sinh ra. (Ảnh: Pinterest)

Hiểu được Vương Dương Minh sẽ khiến tâm hồn được tu hành. Hiểu được Vương Dương Minh sẽ có được một tâm hồn lành mạnh. Tinh tuý trong học thuyết của Vương Dương Minh nằm ở chỗ “Tâm chính là lý”, “Tri hành hợp nhất” và “Chí lương tri”.

Ông cho rằng “Thiên lý” nằm ở trong tâm mỗi người và yêu cầu mỗi người “tri hành hợp nhất”. Thông qua việc đề cao sự tu dưỡng trong nội tâm và cân bằng về tri thức con người có thể trừ bỏ những tư dục và tạp niệm của mình, từ đó đạt được sự vận hành hài hoà của xã hội, là điều chúng ta gọi là “Trí lương tri” (Thực hành lương tri trong thực tiễn cuộc sống). Điều này chính là giáo hoá con người, dung nhập đạo đức lý luận vào những hành vi trong cuộc sống hàng ngày, dùng lương tri thay thế tư dục, thì sẽ có thể phá trừ “tặc trong tâm”.

Chỉ khi mỗi người trừ bỏ những “ác dục” và “tư dục” trong thế giới nội tâm của mình, thì mới có thể giải quyết được vấn đề trong hiện thực xã hội

Vương Dương Minh chủ trương “Trí lương tri”. Ông cho rằng chỉ khi trị được nhân tâm thì mới có thể cứu vớt được xã hội, chỉ khi mỗi người trừ bỏ những “ác dục” và “tư dục” trong thế giới nội tâm của mình, thì mới có thể giải quyết được vấn đề trong hiện thực xã hội. “Tâm học” của Vương Dương Minh đã khẳng định rằng nhận thức cảm tính của mỗi người đều gần với cuộc sống thực tế.

Lập đức, lập công, lập ngôn là cảnh giới cao nhất mà cổ nhân thực hiện những giá trị nhân sinh của mình. Vương Dương Minh đã dùng cả cuộc đời của mình để thực hiện giá trị cao nhất của đời người. Trước khi Vương Dương Minh lâm chung, Chu Tích, học trò của ông đã hỏi ông có dặn dò gì không. Vương Dương Minh nói rất tự tin và lạc quan rằng: “Tâm ta quang minh, đâu cần nói lời chi!”. Hậu nhân có thể dễ dàng thể nghiệm được cảm giác mãn nguyện và thành tựu của ông.

Cảnh giới cao nhất của tu tâm dưỡng tính là giữ gìn sự thanh tĩnh trong nội tâm mình

Cảnh giới cao nhất của tu tâm dưỡng tính là ở chỗ dẫu phải đối mặt với bất cứ chuyện gì cũng không được vội vàng, lo lắng mà phải giữ gìn sự thanh tĩnh trong nội tâm mình. Trong cuốn “Truyền Tập Lục” Vương Dương Minh nói rằng: “Khí cơ của trời đất, vốn chẳng dừng một hơi thở. Nhưng có một người nắm giữ, nên không trước mà chẳng sau, không vội cũng chẳng chậm. Dẫu thiên biến vạn hoá nhưng vẫn luôn được khống chế, con người do vậy mà sinh. Nếu không khống chế, khí này sẽ chạy loạn, sao không thể không bận rộn được đây?”.

Cảnh giới cao nhất của tu tâm dưỡng tính là giữ gìn sự thanh tĩnh trong nội tâm mình… (Ảnh: wikipedia.org)

Đa số con người trong xã hội hiện đại đều luôn canh cánh bên lòng về tình trạng sức khoẻ của mình. Điều này thường là do trong tâm họ rối bời, nóng vội, lo lắng bất an. Vương Dương Minh nói muốn tu thân trước tiên cần dưỡng tâm, ông đã chỉ ra ý nghĩ chỉ đạo quan trọng đối với việc tu thân dưỡng tính.

“Chúa tể của cơ thể chính là trái tim”, nếu trong cuộc sống bận rộn chẳng thể chừa lại một góc thanh nhàn cho tâm hồn thì những phiền muộn và lo lắng ẩn sâu ấy sẽ khiến bạn mệt mỏi, và càng khó hơn trong việc đối nhân xử thế.

Vương Dương Minh chủ trương muốn tĩnh tâm thì cần đoạn tuyệt sự nóng vội trước: “Như ngày nay, tất cả những cảm xúc oán giận chỉ cần thuận theo tự nhiên, không cần quá để ý đến chúng, thì thân tâm tự nhiên sẽ khoáng đạt, mà có thể chính lại bản thể”.

Theo kiến giải của Vương Dương Minh, những người lòng dạ hẹp hòi chỉ hạn cuộc mình trong một không gian nhỏ hẹp, thường trầm mặc kém vui. Còn người có tấm lòng rộng rãi thì thế giới của họ sẽ rộng rãi hơn người.

Vương Dương Minh còn đề xuất muốn tâm khoáng đạt trước tiên hãy cầu sự đơn giản, giống với quan niệm “thuận theo tự nhiên” mà Đạo gia đề cập. Nhưng đối với trạng thái vô vi của Lão Tử và Trang Tử, Vương Dương Minh lại tôn sùng tư tưởng “Bên dưới sự vô vi chính là hữu vi”, chính là tâm thái chân thật của đại đạo chí giản lùi để tiến.

Một đời của con người cũng nên như vậy. Vì sao con người lại theo đuổi những những điều phù vân, mà trên thực tế đó lại là “gánh nặng” khiến thân tâm họ mệt mỏi?

Tất cả đều là vì trong nội tâm họ thiếu đi một thái độ nhân sinh giản đơn. Họ bị bó buộc trong mạng lưới của thành luỹ tiền tài, địa vị và thành tựu. Chi bằng hãy thưởng thức một cái tâm đơn giản, truy cầu một cuộc sống giản đơn.

Đùa cợt với người khác thì dễ, nhưng đùa cợt với bản thân lại rất khó

Vương Dương Minh, một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Kknews)

“Tâm học” của Vương Dương Minh có hai điểm trọng yếu. Một là “Tâm chính là lý”, tức là một người chỉ cần ngộ được bản thể của cái tâm, thì bản thân cái tâm ấy sẽ là lương thiện. Điểm cao nhất trong nhân tâm chính là lương tri. Vậy thì ông có thể tinh tấn mỗi ngày, và đạt đến cảnh giới của những bậc thánh hiền.

Điểm quan trọng thứ 2 của “Tâm học” chính là “tri hành hợp nhất”. Vương Dương Minh nói rằng “Tri thị hành chi thuỷ, hành thị tri chi thành”, nghĩa là “Biết là khởi đầu của hành động, hành động là sự hoàn thành của hiểu biết”. Tức là, những hoạt động ý niệm sinh ra dưới quan niệm đạo đức là sự bắt đầu của hành động. Những hành động phù hợp với quy phạm đạo đức chính là sự hoàn thành của hiểu biết, nên hiểu biết và hành động sẽ hợp nhất với nhau.

Trong “Truyền Tập Lục” Vương Dương Minh cũng nói rằng: Chữ “Thành” có người nói là công phu. Chân thành là bản thể của tâm, cầu mong trở về bản vị (vị trí vốn có của nó) chính là đặt công phu suy nghĩ chân thành”. Đối với ông, muốn đơn giản thì giữ thành ý trước, tâm của con người vốn chân thật.

Trên thế giới này chỉ có 2 việc, một là chân, hai là giả. Theo đuổi sự chân thành ắt phải thật thà, theo đuổi sự giả dối ắt sẽ làm giả. Giữa thật và giả thì điều thể hiện ra không chỉ là thái độ đối với con người, mà là nhận thức về chính bản thân mình. Đùa cợt với người khác thì dễ, nhưng đùa cợt với bản thân lại rất khó.

Muốn xét đoán trạng thái tâm hồn của một người tốt hay không thì tiêu chuẩn đơn giản nhất chính như một câu mà Vương Dương Minh dẫn trong “Trung Dung”: “Tố phú quý, hành hồ phú quý, tố bần tiện, hành hồ bần tiện, tố di địch, hành hồ di địch; tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên”.

Nghĩa là: “Ở cảnh giàu sang thì làm những việc một người giàu sang nên làm, ở cành nghèo khó thì làm những việc một người nghèo khó nên làm, không phải người Hoa Hạ thì làm việc bản thân nên làm, ở cảnh hoạn nạn thì làm việc người gặp nạn cần làm. Người quân tử thường ở trong đạo, hiểu thiên mệnh, biết đủ và thủ thường, nên dẫu thân ở nơi nào cũng tuỳ cảnh mà an, tự nhiên mà đắc”.

Tức là một người dẫu ở trong hoàn cảnh nào (phú quý, nghèo khó, thuận cảnh, nghịch cảnh) đều có thể giữ được tâm thái tự tại, an nhiên. Họ có thể tự tìm thấy niềm vui trong tâm hồn mình và có thể giữ được một nội tâm mạnh mẽ.

Làm được điểm này, bạn có thể được gọi là “quân tử” và có được một tâm hồn lành mạnh. Nếu muốn đạt được trạng thái tâm hồn và cảnh giới tinh thần như vậy thì phải thông qua hai chữ “tu hành”.

Người quân tử thường biết đủ và thủ thường, nên dẫu thân ở nơi nào cũng tuỳ cảnh mà an, tự nhiên mà đắc. (Ảnh trên YouTube)

Sở dĩ ngày này có rất nhiều người không cảm thấy hạnh phúc, một trong những nguyên nhân chủ yếu, e rằng chính là đại đa số con người không hiểu tu hành là thứ vật gì, nên mới không coi trọng việc chăm sóc tâm hồn của mình.

Tâm hồn chính là “thiết bị cảm ứng” của hạnh phúc, còn trạng thái tâm hồn lành mạnh và tốt đẹp lại là suối nguồn trực tiếp của hạnh phúc.

Rất nhiều người trong chúng ta không biết một chút gì về cơ chế vận hành của tâm hồn và  hoàn toàn mơ hồ về mối quan hệ giữa tâm hồn và nhân sinh. Vậy nên họ cứ để mặc khu vườn tâm hồn quanh năm hoang dại. Điều này chẳng khác gì tự chặt đứt mối liên hệ giữa chúng ta và niềm hạnh phúc sẵn có trong tự nhiên.

Vậy thì, tu luyện rốt cuộc là gì? Điều quan trọng chính là tu tâm của con người!

Có người cho rằng biết thì dễ làm mới khó, hiểu lý luận thì dễ nhưng thực hành lại rất khó. Có người lại cho rằng biết khó làm mới dễ, lĩnh ngộ được đạo lý rất khó, thực hành thì dễ dàng hơn.

Kỳ thực, hiểu được đạo lý là điều quan trọng, nhưng vận dụng vào thực tế còn quan trọng hơn.

Theo ĐKN

Xem thêm: