Gần đây, các nhà khảo cổ Australia đã phát hiện một mạng lưới tuyến đường thương mại rộng lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có niên đại từ 3.000-4.500 năm trước.
Một nghiên cứu mới cho thấy một số khu định cư dọc theo vùng hạ lưu sông Mê Kong thuộc miền Nam Việt Nam từng là một phần của hệ thống thương mại phức tạp, nơi các mặt hàng được sản xuất với khối lượng lớn và được giao thương trên hàng trăm cây số.
Nhà nghiên cứu hàng đầu TS. Catherine Frieman thuộc Trường nghiên cứu Khảo cổ và Nhân chủng học ANU cho biết, khám phá này đã làm thay đổi đáng kể những gì đã biết về nền văn hoá cổ xưa ở Việt Nam.
TS. Frieman nói: “Chúng tôi đã từng biết về một số đồ tạo tác được vận chuyển đến nhiều nơi, nhưng khám phá này chứng minh cho một mạng lưới thương mại lớn, bao gồm cả công cụ sản xuất và những kiến thức về công nghệ. Đó là một chuyện hoàn toàn khác”.
“Đây không phải trường hợp con người sản xuất một vài thứ để phục vụ nhu cầu của họ. Mà đó là một hoạt động chính trong cuộc sống hàng ngày”.
Khám phá này đã được thực hiện sau khi TS. Frieman, một chuyên gia về công cụ bằng đá cổ, được giới thiệu về một bộ sưu tập các vật dụng bằng đá do các nhà nghiên cứu phát hiện tại một địa điểm có tên là Rạch Núi ở miền Nam Việt Nam.
TS. Frieman đã tìm thấy một viên sa thạch dùng để làm các công cụ như rìu đá được cho là sản xuất từ mỏ đá nằm cách đó hơn 80 km ở thượng lưu thung lũng sông Đồng Nai.
Bà nói: “Khu vực Rạch Núi không có tài nguyên đá, vì vậy người dân phải nhập khẩu đá và tự sản xuất ra các công cụ. Những người này đã trở thành những chuyên gia về công cụ bằng đá mặc dù họ không sống gần mỏ đá”.
Phillip Piper thuộc Trường Khảo cổ và Nhân chủng học ANU, một chuyên gia về khảo cổ học, người đang sắp xếp quá trình chuyển đổi từ cộng đồng săn bắn hái lượm sang khu định cư nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, nói: “Việt Nam có nhiều khu khảo cổ đặc biệt có giá trị, cung cấp thông tin quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới giao thương trong khu vực Đông Nam Á”.
Các tuyến đường thương mại mới được phát hiện giúp con người ngày nay nắm rõ hơn về quá trình chuyển đổi từ cộng đồng săn bắn hái lượm sang khu định cư nông nghiệp tại khu vực miền Nam Việt Nam.
“Ở miền Nam Việt Nam, có rất nhiều di tích khảo cổ thời kỳ đồ đá mới tương đối gần nhau, chúng biểu hiện sự khác biệt đáng kể trong văn hoá vật thể, phương pháp xây dựng khu định cư và lối sinh hoạt”.
Điều này cho thấy nhiều cộng đồng đã lập nên những khu định cư ven bờ dọc theo các nhánh sông khác nhau, sau đó nhanh chóng phát triển thành một hệ thống xã hội, văn hóa và thương mại mang tính cộng đồng.
“Có nhiều mạng lưới buôn bán phức tạp xuất hiện giữa các cộng đồng dân cư ở Việt Nam. Một vài mạng lưới là kết quả của việc vận chuyển nguyên liệu và sản xuất trên một quãng đường dài”, TS. Frieman nói.
Hoàng An biên dịch