Các nhà khoa học mới phát hiện được một phân tử trong bầu khí quyển của Trái đất có thể tạo ra hiệu ứng làm mát, đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Phân tử đó có thể chuyển đổi các chất ô nhiễm, chẳng hạn như khí nitơ và lưu huỳnh dioxit, thành các hợp chất dẫn đến hình thành đám mây để bảo vệ Trái đất. Trong thế kỷ vừa qua, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 0,80C. Các nhà khoa học cho rằng, cần phải hạn chế mức tăng lên dưới 2 độ C trong thế kỷ này thì mới ngăn chặn được mực nước biển dâng cao và các hậu quả không mong muốn khác. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được biện pháp hiệu quả nào để thực hiện. Các nhà nghiên cứu từ trường ĐH Manchester và Bristol (Anh), và Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (Hoa Kỳ), phát hiện các phân tử mới, gọi là lưỡng gốc Criegee, thu được bằng cách sử dụng nguồn ánh sáng từ các máy gia tốc hạt mạnh hơn ánh sáng mặt trời 100 triệu lần. Carl Percival, một trong những nhà nghiên cứu ở ĐH Manchester cho biết: “Chúng tôi thấy các lưỡng gốc có thể oxy hóa dioxit lưu huỳnh, và cuối cùng biến thành axit sunfuric, nó có tác dụng làm mát đã được biết đến”. Khi núi lửa Pinatubo ở Philippin phun trào vào năm 1991, phát thải một lượng lớn lưu huỳnh dioxit, hình thành đám mây mù axit sunfuric. Nhờ vậy đã làm giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu đến Trái đất khoảng 10%, và nhiệt độ toàn cầu giảm khoảng 0,50C trong vòng hai năm. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa lường được hậu quả của biện pháp này. Chẳng hạn khi bầu khí quyển chứa một lượng dioxit lưu huỳnh lớn do núi lửa gây ra, có thể gây bệnh phổi, mưa axit và sự suy giảm tầng ôzon bảo vệ Trái đất. Nguyễn An |