Các nhà khoa học về biến đổi khí hậu hy vọng vào năm 2015, với sáng kiến mới được triển khai, thiên tai sẽ được thông báo nhanh nhất tới mọi người trên toàn thế giới.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã thành thạo hơn trong việc tìm xem liệu có phải khí thải nhà kính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, khiến tình hình thời tiết ngày càng thất thường, cũng như đánh giá tác động của hiện tượng này trên phạm vi toàn cầu. Nhiệm vụ trên thường phải mất đến vài tháng.
“Trong lĩnh vực truyền thông, chúng ta thấy rằng, theo khái niệm này bạn không thể áp đặt bất kì sự kiện đơn lẻ nào vào biến đổi khí hậu, nhưng trong vài thập kỷ qua, khoa học thực sự đã rất phát triển”, Tiến sỹ Heidi Cullen thuộc Trung tâm Khí hậu nhận định.
Tổ chức báo chí khoa học phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ đang hướng đến ý tưởng sáng tạo để đẩy nhanh tốc độ phân tích. Cơ quan này sẽ kết hợp cùng với Trung tâm Khí hậu Lưỡi liềm Chữ thập đỏ, các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford, Viện khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI) cùng một số nhà khoa học khác.
Một bài đánh giá tổng quan về 16 sự kiện thời tiết chủ yếu trong năm 2013 được công bố hôm Thứ Hai (29/9) cho thấy rõ, biến đổi khí hậu do con người gây ra làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của 5 đợt sóng nhiệt được nghiên cứu ở Úc, Nhật và Trung Quốc.
Nhiều thiên tai như hạn hán, mưa lớn và bão lũ rõ ràng là do ảnh hưởng trực tiếp từ những hoạt động phức tạp của con người, theo nhận định của các nhà nghiên cứu. Biến đổi khí hậu do tác động từ con người là sự thật, nhưng đôi khi tác động thường không rõ ràng. Do đó, các yếu tố mang tính tự nhiên lại trở thành nguyên nhân chính.
Các nhà khoa học đang tìm câu trả lời chính xác hơn để xem liệu có phải khí thải từ nhiên liệu hóa thạch mà con người sử dụng lâu nay tác động nghiêm trọng đến khí hậu và tình hình thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng nghiêm trọng hơn hay không.
Bảng đánh giá từ Bản tin của Hiệp hội Khí tượng Mỹ trong tuần này là công bố nghiên cứu thường niên thứ 3. Vào năm 2011, Tổ chức Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu công bố một báo cáo, đến 60% nguyên nhân gây ra mức chênh lệch giữa nhiệt độ cao và thấp nhất trong ngày trên toàn cầu đang tăng lên do con người tác động, cũng như đối với mực nước biển và triều cường.
Câu trả lời tốt nhất đó là sự “chân thực”
Ông Maarten van Aalst, Giám đốc Trung tâm khí hậu Lưỡi liềm Chữ thập đỏ, nói rằng hội của ông đã không đề cập đến biến đổi khí hậu trong các báo cáo trên các phương tiện truyền thông vào 10 năm trước. Tuy nhiên, hiện nay mọi việc đã khác, “bởi vì mọi người nhận ra rằng khoa học đã tiên tiến hơn rất nhiều. Để có nhận thức sâu sắc hơn, điều quan trọng là cần phải biết hậu quả do thảm họa gây ra, bao gồm việc tái xây dựng và phục hồi sau thiên tai”, ông van Aalst cho biết.
Nhiều nhà khoa học đã đóng góp những sáng kiến mới nhằm phát triển hệ thống phân tích nhanh. Trong đó, nhiều mô hình khí hậu phức tạp kết hợp với các bằng chứng và những nghiên cứu trước đây cho phép dự báo tình hình thời tiết khắc nghiệt trước thời điểm xảy ra một vài ngày, qua đó đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Trong một số trường hợp, giữa chúng không có mối liên hệ nào, cũng có trường hợp liên kết rất mờ nhạt, và đây là điều rất dễ thấy, ông van Aalst giải thích Cho đến nay, các nhà khoa học đã cảm thấy dễ dàng hơn trong việc thiết lập mối liên kết giữa biến đổi khí hậu với hiểm họa tự nhiên do nhiệt độ và mực nước biển dâng cao. Cụ thể, hiện tượng sóng nhiệt hay bão là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều người thiệt mạng và tàn phá nhà cửa, điển hình như siêu bão Hải Yến tấn công Philippines vào tháng 11/2013.
Tuy nhiên, với hiện tượng lũ lụt và hạn hán biểu hiện qua sự thay đổi lượng mưa trong khu vực thì cần phải thận trọng hơn khi ra kết luận, Tiến sỹ Heidi Cullen ở Trung tâm khí hậu cho biết. Mục tiêu của sáng kiến mới này là nhằm có được “trả lời tốt nhất cho câu hỏi khi nào con người mới thực sự coi trọng vấn đề này”, cho dù họ là nhà báo, nhân viên cấp cứu, các nhà hoạch định chính sách hay là những nạn nhân. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng mình sẽ nhận được câu trả lời đúng”, bà nhấn mạnh.
Minh bạch và trung thực
Để có được kết quả tốt nhất, sự minh bạch là yếu tố then chốt, và các công cụ sẵn có sẽ giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về nguồn thông tin mà họ nắm được. Các sự kiện đưa vào phân tích sẽ được lựa chọn theo những tiêu chí cụ thể nhằm loại bỏ “yếu tố chủ quan”, Cullen cho hay.
Thông qua dự án này, các nhà khoa học có thể hỗ trợ các nước đang phát triển cũng như các quốc gia công nghiệp hóa, nơi mà khoa học về khí hậu được đầu tư nhiều hơn.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng hệ thống mới phải được chấp nhận trên tinh thần khách quan, trung thực về mặt khoa học và phi chính trị. Điều này rất quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, như Mỹ và Úc, nơi mà biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề gây chia rẽ, nhiều người thuộc giới chính trị và doanh nghiệp lại đang phản đối hạn chế khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. “Những gì chúng tôi đề xuất không phải là một chiến dịch vận động nhằm thuyết phục mọi người rằng biến đổi khí hậu là vấn đề tồi tệ nhất của nhân loại. Đơn giản, chúng tôi muốn cung cấp thông tin chân thực và khách quan cho thấy một số mối nguy đang chuyển biến đáng kể, và từ đó cần phải hành động để giải quyết ngay vấn đề”, van Aalst chia sẻ.
Thiên Hà, Hàn Mai, Công Lý – Theo Reuters