Kính Thần, trọng đức và làm việc gì cũng phải phù hợp với đạo Trời. Đó là những điều quý báu mà văn hóa truyền thống để lại cho muôn đời sau.
Bằng cách thực thi đạo Trời và coi việc tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức là cực kỳ trọng yếu, văn hóa truyền thống dạy con người hướng thiện, đạt đến sự tự giác cao độ về ý thức đạo đức. Điều này giúp con người có thể siêu thoát xuất lai khỏi các ham muốn về danh lợi, thay vào đó là sự nỗ lực hoàn thiện đạo đức, từ đó đạt được hạnh phúc chân chính và sự che chở của Thiên thượng.
Có rất nhiều câu chuyện được ghi chép lại trong các sách cổ đã chứng minh rằng, bần hàn không đáng phải lo âu; con người chỉ nên lo lắng khi không có đạo đức, chứ không nên lo lắng khi không có vật chất. Nếu không có đức, càng có lắm của cải thì càng có nhiều hiểm họa. Ngược lại, người nào có đức thì sẽ được ban phước, thậm chí có thể chuyển họa thành phúc.
Dưới đây là một câu chuyện vào thời Xuân Thu trong khoảng từ năm 771-476 trước Công Nguyên.
Quý Văn Tử trọng đức được vinh hiển
Quý Văn Tử, qua đời vào năm 568 trước Công Nguyên, từng làm Tể tướng ở cả hai triều vua Lỗ Tuyên Công và Lỗ Thành Công của nước Lỗ. Tuy vậy thê tử của ông không hề mặc lụa là gấm vóc. Ngựa trong nhà ông cũng ăn cỏ thay vì ăn kê.
Trọng Tôn, con trai của Mạnh Hiến Tử, người đứng đầu của một gia tộc nổi tiếng ở nước Lỗ, hỏi Quý: “Ông là Tể tướng của Lỗ quốc, nhưng gia nhân của ông lại không mặc lụa là gấm vóc, ngựa của ông không được ăn kê. Người khác có thể nghĩ rằng ông là kẻ keo kiệt, hơn nữa nó cũng không mang lại vinh diệu cho quốc gia”.
Quý Văn Tử đáp: “Đương nhiên ta cũng muốn gia nhân được mặc đẹp và ngựa được ăn ngon. Tuy nhiên, ta thấy nhiều người trong thiên hạ vẫn đang còn phải ăn đói mặc rách. Do đó ta không dám làm như vậy. Thiên hạ còn đang đói khổ, còn gia nhân của ta lại quá xem trọng ăn mặc, ta cho rằng đó mới là điều Tể tướng không nên làm. Hơn nữa, ta chỉ nghe nói rằng con người có phẩm đức cao thượng mới là vinh dự lớn nhất của quốc gia, ta chưa bao giờ nghe nói rằng khoe khoang quần áo và xe ngựa có thể mang đến vinh diệu cho quốc gia”.
Sau khi biết chuyện này, Mạnh Hiến Tử rất giận người con trai. Ông đã biệt giam Trọng Tôn trong bảy ngày. Kể từ đó, gia nhân của Trọng Tôn bắt đầu ăn mặc đơn giản, và ngựa của Trọng Tôn cũng được cho ăn cỏ thay vì ăn kê.
Khi Quý Văn Tử nghe về sự thay đổi của Trọng Tôn, ông nhận xét: “Một người có thể cải chính lại những sai lầm của bản thân thì rất đáng làm tấm gương cho người khác”. Ông đã bổ nhiệm Trọng Tôn làm một trong những vị quan hàng đầu.
Quý Văn Tử đã dành cả đời cho sự bình an của xã tắc, luôn trung thành và giữ gìn lễ tiết, tận tuỵ với việc nước, trong gia tộc thì sinh hoạt hết mực tiết kiệm, không một chút xa hoa lãng phí. Ông đã khởi xướng nếp sống giản dị và tiết kiệm của nước Lỗ. Các thế hệ đã qua đi, nhưng đức hạnh của ông vẫn được ca tụng đến ngày nay.
(Theo Quốc Ngữ – Lỗ Ngữ)
Theo minhhue.net