Tinh Hoa

Phải nhập viện vì … nghiện game

Cày game liên tục những ngày hè, ngày ngày ăn ngủ tại các quán cafe Internet để chơi game, không ít game thủ đã phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

 

Nghiện game dẫn đến rối loạn tâm thần

Nghỉ hè, thời gian nhàn rỗi, thiếu sân chơi, bố mẹ bận làm ăn đã khiến nhiều học sinh lao vào quán Internet và nghiện game lúc nào không hay. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 – Nghiện chất, trong đợt hè năm 2015 có khoảng 30 học sinh ở Hà Nội và các tỉnh đến cai nghiện game, hầu hết đều bị rối loạn tâm thần, trong đó có nhiều ca bệnh rất nặng. Biểu hiện, triệu chứng của người nghiện game chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu là mệt mỏi kéo dài, đau cơ khớp, đau đầu, tính tình thay đổi, hay cáu giận, tư duy theo chiều hướng của game. Ví dụ như người nghiện game bạo lực thì suốt ngày chỉ nghĩ đến đánh nhau. Còn người nghiện game thời cổ thì hay biến mình thành ma tà, phù thuỷ hoặc nghiện game học đường thường thể hiện hành vi trượng phu, cho mình là người tài giỏi… Nếu nghiện game ở giai đoạn muộn thường xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, liên quan đến tính chất của game; các hành vi rối loạn, kích động, sàm sỡ cũng theo tính chất của game.

Hậu quả của nghiện game thật nặng nề. Không chỉ bị ảo giác, rối loạn tâm thần mà người bệnh còn gây tội ác hoặc bệnh hoạn. Hiện nay đã có rất nhiều liệu pháp cai nghiện game online ra đời.

(Ảnh: internet)

Lớp “Cai nghiện game” của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Game thủ được học và chơi các trò chơi hợp với lứa tuổi, rèn luyện kỹ năng sống để tránh xa cám dỗ, đưa các em trở về với cuộc sống thực tại.

Còn ở Viện Sức khỏe tâm thần, liệu pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và tư vấn tâm lý. Theo số liệu thống kê của Viện Sức khoẻ tâm thần thì 20% bạn trẻ chơi game bị game chi phối và phải qua quá trình điều trị tâm lý rất khó khăn mới trở về cuộc sống thực tại.

Phổi hư hỏng nặng vì nghiện game

Mới đây, Trung Quốc có trường hợp một thanh niên 20 tuổi bị hư hại trầm trọng sau thời gian chơi game quá lâu tại các quán Cafe Internet.

Tô Dục (hóa danh), một nam thanh niên 20 tuổi sống tại thị trấn Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã cắt liên lạc với gia đình từ 3, 4 tháng nay. Người ta tìm thấy cậu nằm bất tỉnh trên đường với chân tay sưng phù. Tại bệnh viện, các bác sĩ bất ngờ khi phát hiện phổi của Tô Dục hoàn toàn bị hủy hoại, hầu hết cả hai lá phổi đều đã thối rữa.

Tô Dục hiện đang phải ngủ ngồi với các ống thở, vì phổi bị hư hại quá nặng khiến cậu đau đớn mỗi khi nằm xuống giường. Thậm chí trong tư thế ngồi, Tô Dục vẫn gặp khó khăn lớn khi hít thở.

Tô Dục ngồi trên giường, đầu chống vào một chiếc chăn để ngủ (Ảnh đăng trên qq.com)

Hiện tại bố mẹ Tô Dục đều trên 60 tuổi. Vì sinh ra khi cha mẹ tuổi đã cao nên Tô Dục rất được cưng chiều. Tuy nhiên, điều này cũng làm cậu sớm trở nên hư hỏng và không còn ai có thể dạy dỗ được nữa. Vào năm 13 tuổi, Tô Dục bắt đầu nghiện chơi game, và đến năm 14 tuổi cậu đã bỏ học để đến quán cafe Internet. Cũng năm đó cậu tập tành hút thuốc.

Sau khi nói với cha mẹ rằng “nghề” của mình là chơi game tại quán cho những người khác, Tô Dục đã cắt liên lạc với gia đình. Người ta tìm được cậu trong trạng thái bất tỉnh, khó thở, chân tay sưng phù. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương cho biết, họ không thể giúp gì với trường hợp Tô Dục, vì phổi của cậu đã bị hủy hoại hoàn toàn. Gia đình phải đưa Tô Dục tới bệnh viện tỉnh để chạy chữa.

 Trách nhiệm giáo dục con cái của các bậc cha mẹ

 

 Không gian tại các quán cafe Internet thường rất bí bức chật hẹp, tràn đầy khói thuốc cùng với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong đó có vi khuẩn lao. Đây là môi trường vô cùng nguy hiểm, khiến người chơi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Hơn nữa, những triệu chứng ban đầu chỉ giống như bị cảm, ho, nên những các game thủ đã chủ quan. Tuy nhiên các mẫu không khí được kiểm nghiệm tại các địa điểm này đã cho kết quả mật độ vi khuẩn rất đáng sợ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghiện game tác động lên não tương đương với nghiện ma túy, thêm vào đó là những độc hại do ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện tử do đó rất có hại cho sức khỏe. Các game thủ dễ quên ăn quên uống, thậm chí mải miết chơi đến mức nín thở để cho nhanh lên hạng, khiến cơ thể bị kiệt quệ, miễn dịch suy yếu.

Tác hại của game thật đáng sợ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần có trách nhiệm kiểm soát con cái để tránh rơi vào trường hợp đáng tiếc trên.

Theo CAND online, Daikynguyenvn