Ở huyện Tuyền Cảng, tỉnh Phúc Kiến có một truyền thuyết dân gian kể về một khu đất có phong thủy vô cùng tốt, được gọi là bảo địa phong thủy. Truyền thuyết này đã lưu lại cho hậu thế một giáo huấn sâu sắc…
Tương truyền vào những năm cuối thời nhà Nguyên, khi tổ tiên của gia tộc họ Lâm ở địa phương này qua đời, con cháu trong dòng họ đã mời thầy phong thủy đến chọn nơi an táng.
Sau khi xem xét, thầy phong thủy phát hiện thấy một khu đất rất tốt, bèn gọi người chủ trì tang lễ đến dặn dò rằng: “Đây là một bảo địa phong thủy, phong thủy một khi linh nghiệm, đời sau sẽ liên tiếp có nhiều người làm quan tay cầm thẻ ngọc đến chầu Hoàng đế, nhưng linh khí chưa lập tức hiển hiện ra ngay bây giờ, mà con cháu dòng họ phải trải qua tôi luyện trong ba mươi năm gian khổ.”
“Cần phải trước bại sau khởi, trước nghèo hèn, sau phú quý. Có thể nói ba mươi năm trước đốt đèn bán ruộng, ba mươi năm sau cầm thẻ vào triều. Khi chọn phong thủy này các ngươi phải chịu mọi gian nan, vất vả, thể hội được những gian khổ nhân sinh và tuyệt đối không được làm điều sai trái! Phong thủy sau khi linh nghiệm, những người làm quan nhất định phải thiện đãi nhân dân trăm họ!”
Người chủ trì tang lễ nghe xong liền đồng ý chọn huyệt phong thủy này làm phần mộ để an táng tổ tiên của mình.
Đúng như những gì thầy phong thủy nói, sau khi an táng xong, gia tộc họ Lâm bắt đầu xuất hiện những vấn đề không thể lường trước được, dòng họ lâm vào cảnh nghèo khó, cơ cực. Không lâu sau nhà Nguyên sụp đổ, nhà Minh lên thay. Triều đại thay đổi, địa phương cũng xảy ra chiến loạn. Sau binh biến chiến loạn, tài sản của nhà họ Lâm bị cướp bóc không còn bất cứ thứ gì.
Cả gia tộc vừa trang chỉnh gia viên xong xuôi, thì lại dính vào kiện tụng, tốn bao nhiêu tiền của mới thoát ra được, quả nhiên là phải thắp đèn ghi khế ước bán đất, bán ruộng trong đêm. Tai họa này vừa dứt thì một tai họa khác lại ập đến, nhà cửa bị thiêu rụi không còn chỗ dung thân, cuối cùng Lâm gia rơi vào bại sản.
Từ đó cả gia tộc họ Lâm bắt đầu sống những tháng ngày bữa đói bữa no, dù có làm việc vất vả ngày đêm cũng không cải thiện được cuộc sống, tuy ăn uống tằn tiện nhưng cũng chỉ vừa đủ duy trì sự sinh tồn cơ bản nhất mà thôi. Nếm trải qua không biết bao nhiêu khổ nạn, cuối cùng cũng đã chịu đựng đến năm thứ ba mươi.
Đêm giao thừa năm đó, trong nhà không có gì ăn, mọi người đành nấu canh rau rừng để lót dạ, cảnh tượng thật xót xa. Một gia tộc vốn đang giàu có sung túc bỗng nghèo xác xơ, cả tinh thần và thể xác đều chịu áp lực quá lớn.
Lúc bấy giờ vị trưởng tộc họ Lâm, cũng chính là người năm đó đã chấp nhận hạ táng tổ tiên mình ở bảo địa phong thủy, nghĩ đến cảnh đau khổ vất vả bao năm qua, tuy làm việc không ngừng nghỉ mà đến một bát gạo ngày tết cũng không có tiền mua, bèn nhất thời nổi giận đến mất lý trí, đổ hết khổ nạn gặp phải cho phong thủy, không muốn chịu khổ thêm nữa.
Trong cơn tức giận, ông đã cầm cuốc đi đến phần mộ, định phá hủy phong thủy. Không ngờ vừa đào được một chút, thì từ trong mộ huyệt bay ra mấy con quạ đen. Thấy có quạ bay ra, ông mới đột nhiên tỉnh ngộ rằng những con quạ này là biểu hiện của linh khí phong thủy, thầy phong thủy đã nói đúng. Vì thế ông vội vàng dùng cả hai tay để bắt lấy quạ nhưng chẳng may đè chết một con, bắt được một con thì làm nó bị gãy chân, những con quạ khác thì bay khắp bốn phương tám hướng.
Sau Tết Nguyên Đán, tình cảnh nhà họ Lâm bắt đầu được cải thiện, sau này trong những người cháu của Lâm gia xuất hiện một vị thống đốc bị tật ở chân, mọi người đều cho là ứng với con quạ gãy chân lúc trước.
Về hướng bay của những con quạ khác, dân gian cho rằng, quạ bay đến đâu thì nơi đó sẽ xuất hiện danh nhân, quạ bay càng xa thì chức quan càng lớn. Trong số đó, có con bay đến thôn Trương Khanh tỉnh Phúc Kiến, nơi đây xuất sinh một quan ngự sử thời nhà Minh, và là một danh thần lý học của Thống đốc bảy tỉnh tên là Trương Nhạc. Một con bay đến thôn Tam Chu tỉnh Giang Tô, nơi sinh ra Chu Nhất Long – người đã đến Quảng Đông để tham gia chính trị và đóng vai trò là phó sứ thần triều Minh.
Một con quạ bay đến Tiền Quách, thị trấn Sơn Yêu, tỉnh Phúc Kiến, sinh ra bộ Binh bộ Thị lang – Vương Trung Hiếu trong triều đình Nam Minh (chính quyền do con cháu nhà Minh lập ra ở phía nam Trung Quốc sau khi triều Minh bị diệt).
Một con bay đến Hồng Thố Khanh, thị trấn Đồ Lĩnh, thành phố Tuyền Châu của Phúc Kiến, nơi này xuất sinh một vị quan làm trong Hàn Lâm Viện đời Thanh;
Một con sau khi bay đến Thổ Khanh, thị trấn Hậu Long, thì xuất hiện một đô đốc nhà Thanh tên là Lưu Khai Thái.
Hai con còn lại lần lượt bay đến làng Văn Phản và Lôn Đầu của thị trấn Nam Bộ, tỉnh Phúc Kiến, hai nơi này xuất hiện một người tên là Lưu Sư Công, từng làm quan trong triều nhưng sau này từ chức để xuất gia, được người dân vô cùng kính trọng. Và người còn lại là Trần Chấn Tứ, một tú tài truyền kỳ, chuyên bênh vực kẻ yếu vào cuối triều đại nhà Thanh.
Trải qua bao nhiêu khổ nạn trùng trùng, năm đó đáng lẽ gia tộc họ Lâm đã vượt qua được 30 năm khảo nghiệm gian khổ, nhưng cuối cùng chỉ vì không chịu nổi một phút nóng giận mà đào mộ tổ tiên để trút giận, khiến bảo địa phong thủy sắp thành lại hỏng. Nếu không, Lâm gia chắc chắn sẽ làm rạng danh lịch sử vào thời nhà Minh và nhà Thanh, thật quả là đáng tiếc!
Bất luận câu chuyện dân gian này có thật hay không, nó đều để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc rằng không được lơi lỏng ngay cả vào phút cuối cùng. Là một người tu luyện, càng nhất định phải kiên định không dao động với tín ngưỡng của mình, kiên trì tu luyện cho đến cùng. Tuyệt đối không được buông lỏng bản thân, hay bỏ cuộc để phải chịu thất bại trong khảo nghiệm then chốt cuối cùng.
Thế Di