Cuộc sống có quá nhiều thứ khiến bạn phải bận tâm, từ công việc, gia đình, bạn bè cho đến các mối quan hệ ngoài xã hội… Làm thế nào để thoát khỏi những rắc rối này? Có thể chỉ việc đơn giản hóa mọi chuyện và thiết kế cuộc sống theo cách của bạn.
1. Đừng để tâm trạng bực bội của người khác tác động lên mình
Khi những người xung quanh xuống tinh thần, họ sẽ bộc lộ điều đó ra, chán nản, cái kỉnh, quát tháo…Ta dễ dàng bị cuốn theo những hành động của họ, cũng chán nản, quát tháo lại…Thay vào đó, nên hiểu và chấp nhận rằng ai cũng có lúc xuống tinh thần, có thể ta không thích cách họ làm nhưng chỉ cần hiểu điều này thì ta dễ cư xử hơn.
2. Chơi thể thao
Có lẽ không cần nói nhiều ở lời khuyên này, ai cũng biết thể thao có rất nhiều ích lợi đối với cả thể chất lẫn tinh thần. Chơi thể thao sẽ giúp bạn có một thân hình đẹp, sức khỏe tốt, giảm stress một cách hiệu quả.
3. Viết ra giấy
Viết suy nghĩ của mình ra giấy sẽ làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều so với việc ngồi 1 chỗ và nghĩ miên man. Viết giúp bạn khẳng định cảm giác của mình một cách rõ ràng, tránh được những hành động vội vàng và thiếu suy nghĩ.
(Gợi ý: khi đứng trước một quyết định, hãy viết ra giấy, một cột viết lợi ích và một cột viết về cái hại. Đối chiếu hai cái lại với nhau bạn sẽ tìm ra được cách giải quyết hợp lý.)
4. Đừng chờ đợi cuộc sống dễ dàng hay không hề có rắc rối
Bạn sẽ nói “Dĩ nhiên rồi !”, nhưng không, điều đáng buồn là đa số chúng ta biết điều này nhưng không thực hiện được. Ta bực khi chiếc máy vi tính bị hư, ta bực khi người khác cư xử khác với những gì ta muốn. Ta bận tâm bởi những chuyện nhỏ nhặt mà quên rằng chúng ta đã biết rõ những điều đó là hoàn toàn hợp lý. Dĩ nhiên, chấp nhận những khó khăn đó và bình tĩnh giải quyết sự việc vẫn tốt hơn là tốn thời gian ngồi bực.
5. Thể hiện lòng nhiệt tình
Người nhiệt tình sẽ có cơ hội thành công lớn hơn người biết nghĩ nhưng không dám làm. Có thể ta không giỏi nhưng chính sự nhiệt tình sẽ cuốn hút mọi người chú ý và giúp đỡ ta, sự nhiệt tình sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, sự nhiệt tình tạo nguồn cảm hứng và lòng hăng say trong công việc. Nói tóm lại, sự nhiệt tình đem đến thành công.
6. Tìm thấy thanh thản trong sự cho đi
Không có cảm giác nào giống như cảm giác thoải mái khi ta vừa làm một việc gì tốt cho ai đó, cho dù người đó có cảm ơn ta hay không. Trở thành một người tốt, không dễ tí nào, nhưng sẽ rất vui, một niềm vui đặc biệt của sự cho đi, từ niềm vui này sẽ có thêm một niềm vui khác. Tất cả cùng vui và chẳng ai vui, bạn chọn cái nào ?
7. Làm mới bản thân
Làm mới bản thân sẽ giúp ta thêm thích thú trước công việc, tránh sự nhàm chán dễ gặp, nâng cao năng suất, v.v.. Mỗi ngày bỏ ra một thời gian nhất định để đọc một cuốn sách hay, sắp xếp lại nhà cửa, nơi làm việc, làm những việc bạn ít khi làm hoặc chưa làm bao giờ… Đúng vậy, có rất nhiều cách để làm mới bản thân, chọn cho mình một cách và bạn sẽ thấy rất hay.
8. Hãy chuẩn bị từ sớm
Lại một lời khuyên kiểu ai-cũng-biết, nhưng, hầu hết ai-cũng-không-làm. Những lý do thường được đưa ra là : “Tôi không có thời gian”, “Tôi rất bận”, “Tôi gặp một số khó khăn”, “Tôi rất…”. Chúng ta nghĩ rằng mình là nạn nhân và chấp nhận điều đó để luôn luôn ở trong trạng thái vội vàng và căng thẳng. Thay vào đó, hãy tự tin rằng mình có thể kiểm soát được thời gian của bản thân bằng cách tạo ra một thời gian biểu hợp lý.
9. Tránh cái bẫy 90 – 10
VD minh họa 1 : nếu ta được một người đưa cho một tờ giấy trắng có một vết mực trên đó. Ta sẽ nghĩ gì nhỉ ? “Ồ, có một vết mực !”. Điều này có nghĩa là chúng ta thường chú trọng và quan tâm vào 10% tồi tệ và ít để ý đến 90% điều tốt đẹp kia, hoặc ít nhất để 10% điều tồi tệ ảnh hưởng đến suy nghĩ của ta.
VD minh họa 2 : nếu ta phải tiếp 10 người khách, 9 người nói chuyện rất vui và thú vị, còn một người cứ thích cãi nhau và làm ta bực bội. Thế là, nếu người khác hỏi ta về buổi tiếp khách, ta sẽ trả lời :” Không vui lắm, có một người cứ thích cãi lại và luôn làm tôi bực !”. Hiếm người sẽ trả lời :” Hôm đó thật tuyệt, hầu như mọi người đều nói chuyện rất vui và tôi thật sự thích thú !”
Nói tóm lại, ta sẽ tận hưởng cuộc sống một cách thú vị hơn nếu ta chú ý vào những điều tốt đẹp và ít để tâm đến những chuyện nhỏ làm ta không vui.
10. Không bận tâm đến những việc thật sự nhỏ nhặt
Cuộc sống đầy những rắc rối, nếu chúng ta không biết cách bỏ qua những rắc rối, những chuyện nhỏ nhặt đời thường, ta sẽ luôn bị ám ảnh bởi những khó khăn, luôn cảm thấy nặng nề, bị bao quanh bởi nhiều vấn đề có vẻ như thật to tát. Thay vào đó, nên bỏ đi thói quen quan trọng hóa vấn đề, ngừng ‘bới lông tìm vết’, tập thiền như một cách để lấy lại tinh thần hay đơn giản là chơi thể thao.
11. Đừng giữ nỗi đau trong lòng
Nhiều người nghĩ rằng :”Tôi không sao, tôi là một người mạnh mẽ, tôi có thể giải quyết được vấn đề, tôi không cần ai giúp đỡ cả”, hay “Tôi không dám nói cho họ biết, họ sẽ không quan tâm, họ sẽ làm tôi mắc cỡ, họ sẽ chẳng giải quyết được gì”, thậm chí có người cố giữ nỗi đau trong lòng và chìm đắm từ ngày này qua ngày khác trong những suy nghĩ buồn chán, tuyệt vọng.
Thay vào đó, hãy nói cho bạn bè biết khi bạn gặp chuyện chuyện buồn. Họ một là giúp được bạn hai là không nhưng ít nhất nói ra những điều mình suy nghĩ sẽ giúp bạn nhẹ nhõm phần nào. Đây cũng là cơ hội để bạn xem lại mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tránh chìm trong những suy nghĩ mông lung.
12. Đừng đánh giá thấp bản thân
VD minh họa: người ta cho một con bọ chét vào trong một cái hộp và đậy nắp lại. Khi con bọ nhảy lên, nó luôn đụng phải cái hộp, luôn luôn. Sau khi mở nắp và thả con bọ ra ngoài, người ta thấy rằng con bọ không thể nhảy đến độ cao như trước đó mà chỉ có thể nhảy đến độ cao ngang bằng cái nắp hộp.
Điều đáng buồn ở đây là chúng ta có nhiều người lâm vào trường hợp giống chú bọ ở trên: gặp phải khó khăn -> không giải quyết được khó khăn, khi điều này xảy ra thường xuyên hơn, chúng ta sẽ nhụt chí, chán nản, không tin vào bản thân, tự đánh thấp mình, cũng chính là hạ thấp khả năng thành công của bản thân.
Một điều ta không nhận ra: không giải quyết được vấn đề không phải là do ta không có năng lực, chính xác là do ta tiếp cận vấn đề chưa đúng cách, dẫn đến hành động thiếu chính xác. Điều này có thể sửa được khi ta có nhiều kinh nghiệm hơn, biết được nhiều phương pháp tiếp cận vấn đề hơn.
Nói tóm lại, không có gì nguy hiểm bằng tự đánh giá thấp bản thân, qua đó, ta đã tước đi cơ hội thành công của chính mình. Thay vào đó, sự tự tin sẽ là bầu nhiệt huyết giúp ta đứng vững trước khó khăn và nhanh chóng tìm được hướng giải quyết. Mặc dù vậy, cũng đừng bao giờ đánh giá bản thân quá cao!
- Xem thêm: Những điều không đáng để bận tâm (P1)
Sưu tầm