Những câu chuyện và di ngôn trước khi chết của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đã được cẩn thận ghi chép lại. Cho đến nay, những di ngôn ấy vẫn khiến người đời không khỏi cảm động.
Sùng Trinh đế (1611—1644)
Sùng Trinh đế hay còn gọi là Minh Tư Tông là vị vua thứ 17 và cuối cùng của triều đại nhà Minh. Ông cũng là vị hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc trước khi triều đình rơi vào tay nhà Thanh của người Mãn Châu.
Sùng Trinh đế là vị vua trẻ tuổi mà tài giỏi, sau khi kế vị đã dốc sức diệt trừ Yêm Đảng (bè đảng của hoạn quan Ngụy Trung Hiền), chăm lo chuyện chính sự, sống rất thanh đạm. Trong thời gian ông đương quyền, Triều Minh rơi vào cảnh thù trong giặc ngoài, bên trong Lý Tự Thành phát động khởi nghĩa nông dân, bên ngoài thì quân Thanh nhòm ngó uy hiếp.
Đầu năm 1644, Sấm vương Lý Tự Thành tự xưng là hoàng đế, đặt tên nước là Đại Thuận, dẫn quân tiến đến đánh chiếm Bắc Kinh. Biết không thể cứu vãn tình hình, Sùng Trinh cùng với Vương Thừa Ân chạy ra khỏi thành, đến núi Môi Sơn, Sùng Trinh cởi bỏ hoàng bào, giận dữ viết lên vạt áo:
“Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, lấy tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, không làm thương hại tới một người dân nào”.
Sau đó Sùng Trinh làm rối tóc che mặt, đứng đối diện với Vương Thừa Ân, treo cổ tự vẫn. Năm đó ông 33 tuổi, Vương Thừa Ân cũng tự vẫn theo ông.
Bố Dương Cổ (?-1619)
Bố Dương Cổ là người của dòng họ Diệp Hách Na Lạp thị, con trai của Bố Trại, là Diệp Hách bối lặc cuối cùng.
Năm 1969 triều đình nhà Minh phát động chiến tranh Tát Nhĩ Hử, Diệp Hách cùng quân Minh xuất quân tiến đánh Hậu Kim, nhưng kết quả lại thất bại. Cùng năm đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiến đánh Diệp Hách. Diệp Hách bối lặc là Kim Đài Cát và Bố Dương Cổ trấn giữ hai thành Đông và Tây. Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho Ngạch Diệc Đô đánh Đông thành, Đại Thiện vây Tây thành. Một vài ngày sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đào đất công phá Đông thành, Kim Đài Cát bị giết chết.
Bố Dương Cổ nghe tin Đông thành bị phá, sai em trai là Bố Nhĩ Hàng Cổ đến xin hàng, xin Đại Thiện không giết. Đại Thiện đồng ý, cuối cùng Bố Dương Cổ đầu hàng. Tuy nhiên, sau khi bị dẫn đến gặp Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Bố Dương Cổ đã bị giết.
Trước lúc lâm chung, Bố Dương Cổ thề độc rằng: “Dòng họ Diệp Hách Na Lạp Thị ta cho dù chỉ còn lại có một nữ nhân, cũng quyết tiêu diệt dân tộc Mãn Châu!”.
Đúng như lời thề trên, nhà Thanh cuối cùng bị diệt vong trong tay của một người dòng họ Diệp Hách Na Lạp thị. Từ Hi thái hậu là người Mãn thuộc dòng họ Diệp Hách Na Lạp thị . Người ký hiệp ước “Thanh đế thoái vị” chính là cháu gái của Từ Hi thái hậu; Long Dụ Hoàng thái hậu, cũng là người dòng họ Diệp Hách Na Lạp thị.
Kim Thánh Thán (1608—1661)
Kim Thánh Thán là một nhà văn, nhà phê bình văn học có phong cách vô cùng ấn tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc”. Ông nổi tiếng là 1 người học rộng, uyên bác nhưng tính tình cuồng ngạo, dị kì.
Năm 1661, vua Thanh ra chiếu đến Giang tô, lệnh các quan từ chức tuần phủ trở xuống đều phải tới phủ trị. Nhân dịp này, Kim Thánh Thán và những người khác đến tố cáo việc làm phi pháp của viên lệnh huyện họ Ngô, nhưng lại bị bắt. Lúc đó vùng Giang Nam đang có giặc cướp, ông bị vu là đồng bọn của giặc cướp, cuối cùng bị kết án tử hình, tịch biên gia sản.
Trước lúc bị xử trảm, ông than thở: “Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán lại gặp cảnh này, kì lạ lắm thay!”. Rồi cười mà chịu chết.
Sau khi trảm, đầu ông rơi xuống đất, đao phủ nhìn thấy hai lỗ tai của ông có nhét hai cục giấy, đao phủ hoài nghi mở giấy ra xem, một tờ ghi chữ “Rất”, tờ còn lại ghi chữ “Đau”. Việc này làm nổi bật lên phong cách rất kỳ dị của ông, đến chết vẫn hài hước dí dỏm.
Viên Thế Khải (1859-1916)
Viên Thế Khải là một đại thần cuối thời nhà Thanh và là Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc. Ưu khuyết điểm, vinh nhục của Viên Thế Khải, tất cả đều được bình luận, có người nói ông là “Kẻ độc tài chuyên chế”, “Đạo tặc cướp đoạt chính quyền”, cũng có người cho rằng ông có cống hiến trong việc cận đại hóa của Trung Quốc, là nhà cải cách chân chính.
Trong những ngày tháng cuối đời, Viên Thế Khải luôn phải sống trong tình trạng lo lắng trước nguy cơ sự sụp đổ của “đế chế Hồng Hiến”. Việc khôi phục nền quân chủ của Viên Thế Khải trước đó đã gây ra sự phản đối và phẫn nộ khắp nơi trong dân chúng. Khi uy tín của Viên Thế Khải giảm sút, Nhật Bản, thế lực đứng sau giấc mộng đế chế của Viên cũng bỏ rơi ông. Chính vì vậy, trong cảnh khốn cùng đơn độc, Viên Thế Khải đã chết khi mới làm tổng thống được 83 ngày.
Ngày Viên Thế Khải chết, người ta thấy trong cuốn sách ở trên bàn của ông ghi câu: “Loại trừ cường địch Nhật Bản, nhìn Trung Quốc tái tạo cộng hòa”.
Câu nói này đến nay vẫn làm rất nhiều người khó hiểu.
Xem thêm: Những di ngôn trước khi chết nổi tiếng trong lịch sử (Phần 5)
Lê Hiếu, dịch từ secretchina.com