Những câu chuyện và di ngôn trước khi chết của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đã được cẩn thận ghi chép lại. Cho đến nay, những di ngôn ấy vẫn khiến người đời không khỏi cảm động.
Lưu Bị (161 — 223 )
“Tài năng của thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nước nhà, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, thì hãy tự thay đi” 《Tam quốc chí: Chư Cát Lượng truyện》
Lưu Bị là một vị thủ lĩnh quân phiệt, trở thành hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc. Ông bị bệnh và qua đời ở tuổi 63.
Khi Lưu Bị bệnh nặng, ông triệu Gia Cát Lượng vào dặn dò, gửi gắm thái tử còn ít tuổi cho Gia Cát Lượng. Ông nói với Gia Cát Lượng:“Tài năng của thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nước nhà, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, thì hãy tự thay đi!”.
Gia Cát Lượng rơi lệ nói:”Thần nhất định sẽ đem hết toàn lực, trung thành tận tâm phụ tá Lưu Thiện đến chết mới thôi!”.
Lưu Bị lại hạ chiếu giáo huấn thái tử rằng:“Ngươi và thừa tướng cùng nhau cộng sự, cần phải đối đãi với thừa tướng như là cha mình vậy”.
Con gái 7 tuổi của Khổng Dung (201 – 208)
Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, là quan nhà Đông Hán và quân phiệt đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Tháng 6 năm 208, Tào Tháo tâu với Hán Hiến Đế khôi phục lại chức thừa tướng và Ngự sử đại phu, rồi tự phong mình làm thừa tướng và phong Khước Lự làm Ngự sử đại phu.
Khước Lự vốn có hiềm khích với Khổng Dung, bèn tố với Tào Tháo rằng Khổng Dung cùng Lộ Túy có mưu đồ phản nghịch. Tào Tháo tức giận bèn hạ lệnh bắt giết cả nhà Khổng Dung. Lúc ấy Khổng Dung có hai con nhỏ, con gái 7 tuổi, con trai 9 tuổi, vì muốn hai con được sống sót nên đã gửi hai đứa nhỏ ở nhà người khác.
Khi cả nhà bị bắt, hai anh em đang ngồi chơi ngồi chơi cờ. Mọi người giục hai đứa trẻ đi trốn, cô em gái đáp: “Tổ chim đã vỡ làm sao trứng được lành?”.
Chủ nhà đưa cho hai anh em một bát canh thịt, cậu con trai vì khát nên cầm bát canh uống, cô em gái nói: “Gặp phải tai họa ngày hôm nay, lẽ nào có thể sống lâu được, vẫn còn muốn nếm mùi vị của thịt nữa à?”, anh trai nghe vậy òa khóc không uống nữa. Có người nói chuyện này với Tào Tháo, nhưng Tào Tháo vẫn quyết định giết hết.
Khi quân lính đến bắt, cô bé nói với anh trai: “Nếu sau khi chết có linh hồn, có thể thấy được phụ mẫu, đây chẳng phải là nguyên vọng lớn nhất của chúng ta hay sao!”. Vì thế cả hai ngẩng đầu chịu hình, mặt không đổi sắc, làm cho người chứng kiến không khỏi bi thương.
Kê Khang (223—262)
“Viên Chuẩn từng thỉnh cầu học khúc nhạc này, ta không chịu dạy cho hắn. Từ nay về sau, Quảng lăng tán thất truyền rồi”.《Tấn thư: Kê Khang truyện》
Kê Khang là nhà quan văn nổi tiếng nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc, rất giỏi về âm nhạc, văn học, là người đứng đầu “Rừng trúc thất hiền”. Bởi vì có thái độ không hợp tác với Tư Mã Chiêu nên bị ghen ghét hãm hại. Năm 39 tuổi ông bị khép tội làm loạn triều đình, đã bị bắt thọ hình.
Trước lúc bị xử tử, Kê Khang thần sắc bất biến, xin được cầm đàn, gẩy đoạn “Quảng lăng tán”. Gẩy đàn xong, Kê Khang nói: “Viên Chuẩn từng thỉnh cầu học khúc nhạc này, ta không chịu dạy cho hắn. Từ nay về sau, ‘Quảng lăng tán’ thất truyền rồi!”.
Thời gian ấy có 3 nghìn học sinh của trường thái học, muốn mời Kê Khang về làm thầy, là muốn dùng cách này để cứu ông, nhưng không thành.
Nhiễm Mẫn (? —352)
“Thiên hạ đại loạn, các ngươi giết sạch dòng họ Địch, mặt người dạ thú, còn muốn soán vị mưu phản. Ta một đời anh hùng, vì sao không thể làm đế vương”.《Tấn thư: Nhiễm mẫn truyện》
Nhiễm Mẫn là vua nước Nhiễm Ngụy thời Ngũ Hồ Thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người Hán xưng đế năm 350, quốc hiệu là Ngụy, đóng đô ở đất Nghiệp (Lâm Chương, Hà Bắc), sử gọi là Nhiễm Ngụy. Năm 352 bị Mộ Dung Tuấn giết chết tại hình sơn, sau khi chết một thời gian ông phong là Võ Điệu Thiên Vương.
Nhiễm Mẫn sống trong thời kỳ Ngũ Hồ Loạn Hoa hắc ám, trong cuộc tàn sát của người Hồ, phụ nữ của dân tộc Hán gần như diệt vong tuyệt chủng. Nhiễm Mẫn lấy danh “Lệnh Giết Hồ” tàn sát gần hết người dân tộc Hồ, trong lịch sử ông vẫn là nhân vật gây tranh cãi nhất, một bên phong ông làm anh hùng có công dẹp loạn, một bên thì bêu danh ông là đồ tể.
Trong trận chiến cuối cùng, Nhiễm Mẫn cưỡi ngựa Chu Long, tay trái cầm giáo hai đầu, tay phải cầm móc, một mình chém giết hơn 300 quân Yên, nhưng sau cùng kiệt sức, ngựa của ông bị chết, bản thân ông bị quân Yên bắt sống.
Mộ Dung Tuấn đưa Nhiễm Mẫn đến trước mặt hỏi: “Ngươi thân nô bộc hạ nhân, vì sao dám ngông cuồng xưng thiên tử?”. Nhiễm Mẫn đáp: “Thiên hạ đại loạn, các ngươi giết sạch dòng họ Địch, mặt người dạ thú, còn muốn soán vị mưu phản. Ta một đời anh hùng, vì sao không thể làm đế vương?”.
Mộ Dung Tuấn giận dữ, chém chết Nhiễm Mẫn tại Át Hình Sơn.
Lúc đó, bốn bề cây cỏ đều héo rũ, châu chấu bay đầy trời. Sau đó hạn hán kéo dài 5 tháng, Mộ Dung Tuấn bèn phái sứ giả đi cúng tế, lúc tế gọi Nhiễm Mẫn là Võ Điệu Thiên Vương, ngày hôm đó trời đổ mưa to.
Xem thêm: Những di ngôn trước khi chết nổi tiếng trong lịch sử (Phần 2)
Lê Hiếu, dịch từ secretchina.com