Hơn 19 tháng qua, ông Tập Cận Bình thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng, đồng thời đã hạ bệ các đồng minh thân cận nhất của Giang Trạch Dân. Trong Tháng 8, nhiều biểu hiện cho thấy cục diện chính trị đang dần “thoát Giang”, gần đây nhất là hòn đá trước Trường Đảng Trung ương có lời đề từ của ông Giang đã bị dẹp.
Nhiều cây viết phụ trách chuyên mục của phiên bản tiếng Trung báo Đại Kỷ Nguyên từ lâu đã kết luận rằng, Giang Trạch Dân là mục tiêu chính trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Trong ba năm qua, những dự đoán này dường như đã ngày càng được chứng thực thông qua nhiều diễn biến sự việc, khi từng người trung thành của Giang, tiếp sau những người khác, bị cơ quan cảnh sát mật nội bộ đảng loại bỏ, bị thẩm vấn, sau đó bị lôi ra trước hệ thống tòa án do đảng kiểm soát và bị kết án hàng năm, hoặc chung thân, trong ngục tù.
1. Cuộc họp Bắc Đới Hà từ lâu đã là nền tảng cho các cuộc đàm phán không chính thức giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm và các “trưởng lão”, tức nhóm quan chức cấp cao đã nghỉ hưu để xác định phương hướng giải quyết các vấn đề lớn trong nước.
Báo “Động Hướng” Hồng Kông cho biết: Ngày 2/8/2015, 8 đảng viên cao cấp đã nghỉ hưu gồm Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn… đều được mời đến tọa đàm Bắc Đới Hà, nhưng không thấy có ông Giang Trạch Dân.
2. Ngày 5/8, tuần san Tân Hoa Xã có bài “Đừng chờ nữa, Bắc Đới Hà năm nay không họp”. Bài viết cũng điểm lại những vị lãnh đạo cấp cao có liên quan đến hội nghị Bắc Đới Hà, trong đó không có tên ông Giang.
3 Tờ “Nhân dân nhật báo” vào ngày 10/8 đã thẳng thắn phê bình một số nhân vật sau khi nghỉ hưu còn muốn tham gia vào chính sự. Ông Nghiêm Gia Kỳ, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu chính trị Trung Quốc cho biết: “Theo cách nhìn của tôi thì đây là ám chỉ Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã hình thành tầng lớp chủ nghĩa tư bản thân hữu mà chính Giang Trạch Dân là hình ảnh tiêu biểu nhất”.
Những người sử dụng Internet Trung Quốc, trong các bình luận không bị xoá trên mạng Sina Weibo, đưa ra nhiều nhận xét xác định mục tiêu của bài báo là Giang Trạch Dân, với phong cách giấu mặt điển hình. “Đây có phải là nói về con cóc”, một người lấy tên Night Glass viết. Việc ví Giang như một con cóc là một biểu tượng hài hước phổ biến trong không gian mạng ở Trung Quốc, một tham chiếu nói về diện mạo béo tròn của cựu lãnh đạo với đôi mắt kính tròn lớn, và thói quen mặc quần cạp cao trên vòng eo.
“‘Big Papa’ Tập đang có một động thái chống lại Ha Ha”, một người dùng khác viết, chơi chữ bằng cách sử dụng ký tự đầu tiên của tiếng Trung Quốc cho từ cóc (hama – hàm mô).
“Tôi khá tò mò”, người dùng yanhing nói, “Con cóc có lên mạng không đây? Để biết được bao nhiêu điều ghê tởm mà hắn ta gây ra?”.
4. Đến ngày 11/8, thân tín của ông Giang là ông Vương Tông Nam, cựu Giám đốc của một trong những công ty thực phẩm nhà nước lớn nhất Trung Quốc bị xử tù 18 năm vì tội tham ô. Một số nhà phân tích chỉ ra mục đích của chiến dịch này nhằm giảm dần sức ảnh hưởng của “bang Thượng Hải” do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân dẫn đầu. Hiện nhiều nhân vật theo phe cánh của ông Giang ở Thượng Hải đang bị thất thế.
Tân Tử Lăng, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Quân sự Trung Quốc cho biết: “Ở Thượng Hải nói đi nói lại cuối cùng vẫn là vấn đề Giang Miên Hằng, hiện con của Tăng Khánh Hồng đã bắt đầu bị thẩm tra, con trai Giang Trạch Dân cũng đang trong tầm ngắm của Ủy ban Kỷ luật Trung ương”.
Giang Miên Hằng gia nhập thế giới kinh doanh với tư cách là con trai của một cựu lãnh đạo. Vị ”vương hầu” này đã tự biến mình thành vua viễn thông và là một nhân vật chủ chốt tại Thượng Hải. Các công ty của ông Giang Miên Hằng có liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh doanh sau: Dịch vụ Viễn thông (China Netcom), Dịch vụ Internet (MSN), Giao thông vận tải và hàng không (SAIC Motor, Shanghai Airlines, ShanghaiAirport Authority ), Tài chính (Ngân hàng Thượng Hải), và Văn hóa và giải trí (Phoenix Television , Oriental DreamWorks).
5. Ngày 15/8, báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung đã dẫn nguồn tin thân cận với chính sự ở Trung Nam Hải cho biết sau vụ nổ Thiên Tân, Tập Cận Bình đã kiểm soát tự do của cha con Giang Trạch Dân. Ông Tăng Khánh Hồng, một thân tín của ông Giang, cũng đã bị hạn chế đi lại.
6. Ngày 16/8, trong tang lễ của nguyên lão Úy Kiện Hành (cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương), Giang Trạch Dân một lần nữa vắng mặt. Có những dấu hiệu cho thấy từ đầu năm đến nay, ông Giang đã bị cấm lộ diện trước truyền thông.
7. Ngày 19/8, “Nhân dân nhật báo” lại có bài với lời lẽ hiếm thấy, thẳng thắn chỉ trích lực lượng chống lại cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là tàn bạo, cứng đầu, phức tạp, kỳ lạ, có thể vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta.
8. Ngày 21/8, hòn đá to trước Trường Đảng Trung ương có lời đề từ của ông Giang được cho là bị dẹp bỏ. Trước dư luận gây bàn tán trong và ngoài nước, Trường Đảng trung ương đã cho biết là hòn đá được dời vào trong trường, không có dụng ý gì đặc biệt trong chuyện này. Trang mạng weibo ở trong nước suy đoán ẩn ý trong chuyện này là muốn “thoát Giang”.
9. Ngày 22/8, theo trang tin Minhhue.net có 157.000 người trong và ngoài nước đã kiện ông Giang Trạch Dân lên Tòa án và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cáo buộc hình sự tội đàn áp Pháp Luân Công của ông Giang.
10. Những thông điệp như “Những nỗ lực toàn cầu truy tố Giang Trạch Dân”, “Đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý” đã được nhìn thấy khắp nơi trên các đường phố ở Trung Quốc.
Theo daikynguyenvn.com