Tinh Hoa

Nhìn lại những cuộc “cách mạng” hủy diệt văn hóa của Đức Quốc xã, Liên Xô và Trung Quốc

Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến những cuộc hủy diệt văn hóa, văn vật “kinh thiên động địa” được phát động bởi Đức Quốc xã, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồng Vệ binh Trung Quốc đốt sách trong thời Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tư liệu)

Gần đây giới nghiên cứu đã chỉ ra, sách bị Tần Thủy Hoàng tiêu hủy chỉ là sử ký các triều đại trước nhà Tần và loại «Thi», «Thư>>> cùng tác phẩm của bách gia chư tử (những học giả trước nhà Tần) được dân chúng cất giữ riêng. Còn sách sử nhà Tần, các loại sách được các quan Tiến sĩ cất giữ và sách y dược, bốc phệ, trồng trọt được dân chúng cất giữ thì không bị tiêu hủy, Tần Thủy Hoàng chỉ ra lệnh đốt sách trong dân chúng, còn sách trong triều đình vẫn được giữ lại nguyên vẹn, vì thế mà nhà Hán không cảm thấy sách vở bị thiếu mất. Còn “chôn Nho”, trên thực tế không phải nhà Nho mà là giới phương sĩ (người cầu tiên học đạo), họ không chỉ đi lừa mị thiên hạ bằng phương thuật mà còn chửi rủa chính quyền mới khiến Tần Thủy Hoàng tức giận.

Vì thế, nếu so sánh thảm kịch đốt sách của Tần Thủy Hoàng với các thảm kịch đốt sách quy mô lớn sau này, tội của Tần Thủy Hoàng có lẽ cũng không sánh kịp.

Phát xít Đức làm sạch “tà thuyết dị đoan”

Tháng 4/1933 Đức quốc xã lên nắm quyền, để “thống nhất tư tưởng” gìn giữ “tính thuần khiết của tinh thần Đức”, Hitler đã quyết định thực hiện chế độ chuyên chế văn hóa khắc nghiệt, quyết định “làm sạch” tất cả “tà thuyết dị đoan”.

Buổi tối ngày 10/5, dưới hiệu lệnh của Bộ trưởng Tuyên truyền phát xít Joseph Goebbels, nhiều sinh viên Đức đã cầm đuốc và hát vang bài “Ý chí Đức cao hơn tất cả” tiến về quảng trường nhà hát trung tâm Berlin.

Tại quảng trường, sách tiêu hủy đã được chất thành từng đống cao như núi. Theo hiệu lệnh của đội viên xung kích Đức Quốc xã, các sinh viên và học sinh hăng máu cầm đuốc ném vào những đống sách, lửa bùng cháy dữ dội tiêu hủy hàng chục ngàn cuốn sách, trong đó có những kiệt tác của Heine, Freud, Zweig…

Ngày 10/5/1933, tại hơn 30 làng đại học của Đức Quốc xã đã đồng thời diễn ra việc công khai đốt sách. (Ảnh: Noonpost)

Ngoài Berlin, hoạt động đốt sách cũng được triển khai tại một số thành phố và trường đại học. Một số học giả, nhà văn, nhà thơ cũng tham dự các hoạt động đốt sách, trong đó có cả các nhà triết học nổi tiếng ủng hộ Phát xít là Martin Heidegger. Theo tuyên truyền của Đức Quốc xã, đốt sách là theo “ý dân”, phạm vi và quy mô cũng theo đó phát triển ngày càng rộng. Nhiều nhà văn Do Thái và nhà khoa học không cam chịu đã bỏ chạy ra nước ngoài.

Dưới tuyên truyền của Đức Quốc xã, hoạt động đốt sách ngày càng được hưởng ứng, từ đó Đức Quốc xã ngày càng tàn bạo: Quẳng người Do Thái vào lò thiêu. Từ đốt sách đến đốt người tưởng đâu rất xa vời, nhưng thực tế lại rất gần: cùng việc nhiều người hưởng ứng đốt sách là hưởng ứng bức hại người Do Thái; khi hưởng ứng bức hại người Do Thái thì hưởng ứng đốt sách không còn gì khó khăn.

Đảng Cộng sản Liên Xô “làm sạch môi trường” chủ nghĩa xã hội 

Vì để giữ gìn “tính thuần khiết” của xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Liên Xô đề xuất cần có một môi trường “chân không” của giai cấp vô sản để tránh mọi người bị độc hại. Bước đầu của “làm sạch môi trường” chính là thiêu hủy “sách báo chính trị có độc”, xóa bỏ sự ăn mòn và độc hại của “kẻ địch của nhân dân”, do đó Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi đi danh sách các sách báo cần dọn sạch và tiêu hủy đến thư viện ở khắp nơi.

Số lượng sách báo tư liệu cũ và có nguồn gốc từ nước ngoài bị thiêu hủy trong phong trào “đốt sách” làm người ta giật mình. Năm 1938, số sách bị coi là phản động chính trị bị thiêu hủy lên đến 10.375.706 loại, tranh tuyên truyền là 223.751 loại, bên cạnh đó còn có 55.514 loại sách báo nước ngoài cũng bị tiêu hủy. Hàn ngàn hàng vạn cuốn sách bị coi là “kẻ địch của nhân dân” tại các thư viện đã bị tiêu hủy, chỉ có một số ít người dám cất giấu để giữ gìn. Ngay cả báo và tạp chí đã quá cũ cũng bị ngưng sử dụng và bị tiêu hủy.

Từ năm 1920, Liên Xô bắt đầu thi hành thẩm định văn hóa rất nghiêm ngặt. Nhà xuất bản của nhà nước được chính phủ trao quyền, có thể kiểm tra bản nháp sách “không sạch”, để đề phòng lọt lưới chờ in. Ngày 6/6/1922, Tổng cục Quản lý Văn học Quốc gia và Xuất bản được thành lập, cơ quan này đưa ra một bản danh sách các loại sách cấm, mới đầu chỉ là liệt kê sách cấm không được công khai, về sau bao gồm tất cả các xuất bản phẩm không thích hợp với công chúng.

Năm 1923, Tổng cục Quản lý Kịch Quốc gia được thành lập, đơn vị này phụ trách thẩm tra tất cả các tác phẩm kịch được trình diễn. Năm 1936, hai cục trên trực tiếp nghe theo mệnh lệnh của trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, các địa phương cũng thành lập cơ quan tương ứng. Đến năm 1939, cơ quan thẩm định văn hóa của Liên Xô đã có tới hơn 6.000 nhân viên.

Trong danh sách đen các sách bị cấm, dù là tác phẩm trong nước hay tác phẩm nước ngoài, đều nhất định bị tịch thu, giao cho NKVD (tức Ủy ban Nội vụ Nhân dân) niêm phong cất giữ. Nếu sách cấm đã in quá nhiều thì thiêu hủy. Giữa năm 1938 và 1939 đã kiểm tra và cấm 16.453 tập, vượt qua con số 24 triệu cuốn “sách có hại” bị nghiền thành bột giấy. Không chỉ có vậy, thẩm tra viên còn đi vào các thư viện, lục xem chi tiết các loại sách, họ dùng mực nước để xóa tên những người bị cách chức hoặc bị “thất sủng”.

Sau sự sụp đổ của cộng sản Liên Xô, các nước cộng sản Đông Âu đồng loạt kéo đổ các tượng đài Lê-nin. (Ảnh: Abril)

Ảnh của lãnh tụ là trọng tâm của thẩm tra. Ảnh của Stalin in trên giấy, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng dưới ánh sáng, để tránh in chồng lên nội dung bất kính. Tháng 12/1937, một thẩm tra viên viết thư gửi lên Moskva, nói ảnh của lãnh tụ trong một cuốn sách nhỏ, chỗ tay áo có bóng dáng của Mussolini và tên của Hitler mờ mờ chạy qua trước ngực của lãnh tụ vĩ đại.

Giới văn hóa và giới học thuật cũng bị cấm qua lại với nước ngoài, chỉ được mời những tác gia cá biệt được Liên Xô ca ngợi đến thăm. Dưới khẩu hiệu “phản đối chủ nghĩa thế giới” và “ngăn chặn sính ngoại”, các nhà khoa học Liên Xô không tham gia các hội nghị quốc tế, cũng không tổ chức hội nghị có khoa học gia quốc tế tham dự.

Đến cuối những năm 1980, các nhà sử học Liên Xô đã không còn được tiếp xúc với thông tin sách báo nước ngoài, họ đã hoàn toàn sống trong không gian bị đóng kín. Ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô còn thay đổi hàng loạt cán bộ Cục Nghiên cứu Chủ nghĩa Cộng sản và các cơ quan ý thức hình thái, nhằm loại bỏ một số phần tử tri thức mà đảng không tín nhiệm, giải tán hầu như tất cả các đoàn thể của người dân và biệt phái văn nghệ, xây dựng đoàn thể học thuật được quản lý thống nhất bởi trung ương. Nhằm hình thành hệ thống tổ chức lãnh đạo với mệnh lệnh thông suốt, khi đó họ đưa ra đề xuất rõ ràng, chức năng nhận thức khoa học xã hội nhân văn cần phải đẩy lùi lại vị trí thứ 2, thậm chí thứ 3, còn vị trí số 1 là chức năng “tuyên truyền” ca tụng công đức của lãnh đạo.

Lịch sử đốt sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng chính quyền, việc quan trọng trước tiên là cải tạo tư tưởng của trí thức, loại bỏ quan điểm sùng bái dân chủ Tây phương, quan trọng hơn nữa là tiêu hủy những giá trị tinh túy thừa kế từ văn hóa truyền thống Trung Quốc. So với Cách mạng Văn hóa sau này thì giai đoạn đầu chủ yếu áp dụng cách “giáo dục thuyết phục”.

Lúc này ĐCSTQ còn chưa tiêu hủy rầm rộ sách vở, chủ yếu chỉ nhẹ nhàng thu gom lại hoặc cấm xuất bản, phát hành, ví dụ như sách Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Giáo trình khoa học và kỹ thuật cho sinh viên bị thay đổi từ phiên bản Anh-Mỹ sang phiên bản của Liên Xô. Do không có tự do truyền thông nên mọi người chỉ biết tin theo tuyên truyền của giới cầm quyền. Còn tác phẩm văn chương thì giương ngọn cờ phục vụ giai cấp vô sản, vì thế mà từ đó Trung Quốc khó xuất hiện nhà văn và tác phẩm kiệt xuất.

Sau khi cuộc nổi dậy vũ trang ở Hungary năm 1956 bị quân Liên Xô đàn áp, ông Mao Trạch Đông và ĐCSTQ càng thêm lo ngại, vì trong cuộc nổi dậy tại Hungary có vai trò quan trọng của giới trí thức. Từ bài học kinh nghiệm này, năm 1957 chính quyền ĐCSTQ hiệu triệu xin ý kiến của giới trí thức. Nhiều trí thức bản tính chân thật nên đã thành thật đề xuất ý kiến với Mao và chính quyền, hệ quả sau đó là toàn bộ vài chục ngàn trí thức bị quy kết “phái hữu”.

Nhưng tội ác đốt sách trên quy mô lớn lần đầu tiên của ĐCSTQ là sau khi nổ ra Cách mạng Văn hóa. Ngày 22/8/1966, Đài Phát thanh Trung ương Trung Quốc phát thông tin “phá tứ cựu” trong giờ vàng. Nhật báo Nhân dân đăng bài xã luận với nội dung “Hoan hô tinh thần cách mạng giai cấp vô sản tạo phản của các tiểu tướng Hồng Vệ binh Bắc Kinh chúng ta!… Các tiểu tướng Hồng Vệ binh dùng tư tưởng Mao Trạch Đông làm vũ khí, đang quét sạch tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ của giai cấp bóc lột”.

Dưới khẩu hiệu “phá tứ cựu”, Hồng Vệ binh không chỉ trắng trợn đi cướp bóc vàng bạc châu báu mà còn phá hủy thư tịch được cho là di sản của phong kiến, tư bản. Trong sách «Lịch sử đốt sách trên thế giới>>> ghi lại, ngoài những loại sách kể trên, đa số sách được xuất bản trong 17 năm từ 1949 – 1966 đã không thể thoát khỏi kiếp nạn bị thiêu hủy.

Ngoài một số ít sách về chủ nghĩa Mác-Lênin, của Mao, và tác phẩm của Lỗ Tấn, hàng loạt sách phổ biến khoa học do giới trí thức khoa học làm và thể loại văn chương bị xem là “độc hại” đều không thể tránh khỏi kiếp nạn.

Tháng 8 – 9/1966 là thời điểm cao trào đốt sách. Hồng Vệ binh Bắc Kinh tổ chức hoạt động đốt sách quy mô lớn tại sân thể thao Đông Đơn, hàng “núi sách” to nhỏ đã được mang về chất đống để tiêu hủy.

Ngày 23/8/1966, hơn 200 Hồng Vệ binh của Trường Trung cấp nữ số 8 Bắc Kinh và Trường in Bắc Kinh đến trước miếu Khổng Tử tại Quốc tử giám và tiêu hủy trang phục biểu diễn của các đoàn kịch thuộc Sở Văn hóa Bắc Kinh, trong đó có cả sách.

Một cảnh thiêu hủy trong “Cách mạng Văn hóa” Trung Quốc. (Ảnh: Creatureandcreator)

Ngày 24/8/1966, nhà của giáo sư Đại học Bắc Kinh Lương Thấu Minh (1893–1988) bị tịch thu, theo đó nhiều sách quý, tranh chữ và vật dụng cổ của ông bị mang ra ngoài sân tiêu hủy. Ngày 25/8/1966, Hồng Vệ binh lại tiếp tục đến nhà sử gia Cố Hiệt Cương (1893- 1980) tiêu hủy hàng ngàn tranh ảnh và thư từ.

Nhà văn Thẩm Tòng Văn (1902 – 1988) khi đó làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc. Khi chỉ huy ban cưỡng chế quân sự chỉ vào kho sách trong nhà ông hỏi: “Tôi giúp ông tiêu hủy thứ độc hại, ông có phục không?”. Thẩm Tòng Văn hốt hoảng trả lời: “Không có gì không phục”. Thế là vô số sách quý của ông bị ném ra ngoài sân đốt thành tro bụi.

Chuyên gia làm khung tranh chữ Hồng Thu Thanh được xem là “thần tài” tranh chữ cổ, đã trang hoàng vô số tác phẩm tuyệt kỹ, toàn bộ số tranh chữ mà ông khổ công sưu tầm lưu giữ trong hàng chục năm làm nghề đã bị tiêu hủy hết. Tình trạng như vậy không chỉ xảy ra ở Bắc Kinh mà diễn ra trên toàn quốc.

Tại phủ Khổng Tử ở Khúc Phụ, từ ngày 9/11–7/12/1966, hơn 6000 loại văn vật bị phá hủy, hơn 2700 sách cổ bị đốt, số tranh chữ là hơn 900 bản, hơn 1000 bia đá cùng nhiều bảo vật quốc gia xếp vào loại cần bảo tồn cấp 1 đã bị phá hủy.

Chị Kiều Hải Yến, một trong số sinh viên từng tham gia phong trào “đốt sách” đã kể lại: Khi vào thư viện, các sinh viên thấy vô số “sản phẩm độc hại”, mọi người đua nhau ném ra ngoài sân chất thành đống để tiêu hủy. Thầy quản lý thư viện trông tình cảnh mà sắc mặt vàng như nghệ, đứng ngây người sững sờ…

Nghe nói, ngoài tác phẩm của Mao Trạch Đông và Mác–Lê-nin, tất cả sách văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, đều bị xem là sản phẩm của phong kiến phải tiêu hủy. Hệ quả là trên toàn quốc dường như chỉ còn lại tác phẩm của Mao Trạch Đông, trong tay người nào cũng có một cuốn của Mao, không cần phải đi nhà sách mua, những nhân viên làm việc tại các nhà sách khi đó được cho là nhàn nhã nhất.

Cùng với phong trào đốt sách là hoạt động khủng bố giới trí thức, nhiều người tài bị bắt giam, tra tấn, độ tàn bạo của ĐCSTQ thậm chí vượt ra cả Đức Quốc xã và Liên Xô.

Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, đến thập niên 80 của thế kỷ trước, nhờ chính sách mở mang của ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương mà Trung Quốc có được một giai đoạn khá tự do trong hoạt động xuất bản, nhiều sách phương Tây trước đây bị cho là sách cấm đã được xuất bản, nhiều sách khí công được bày bán trong các nhà sách. Đến thập niên 90 có sách «Pháp Luân Công Trung Quốc>>> bán khá chạy, vào năm 1996 được Báo Thanh niên Trung Quốc bình chọn nằm trong 10 cuốn sách bán chạy nhất toàn quốc.

Nhưng đến tháng 7/1999, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra chính sách nghiêm cấm đối với Pháp Luân Công, theo đó vô số sách báo liên quan đến Pháp Luân Công bị tiêu hủy, những người theo Pháp Luân Công bị đàn áp, bắt bớ, tịch thu gia sản, tội ác khủng bố đối với Pháp Luân Công của ĐCSTQ không thua gì thời Cách mạng Văn hóa. Đây cũng có thể xem là tội ác đốt sách quy mô lớn lần thứ hai của ĐCSTQ.

Kết luận

Trong tác phẩm Best seller «Vừa đi đường vừa đọc sách>>> (Nhất lộ tẩu lai nhất lộ đậu), nhà văn Lâm Đạt (Lin Da) viết:

Chỉ có một lý do cấm sách, đó là cho rằng cuốn sách đó truyền tải ‘tư tưởng nguy hiểm’… Nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh, hôm nay có thể xem là tư tưởng nguy hiểm, ngày mai lại trở thành bình thường. Sách nguy hiểm do một số nhân vật có quyền lực phán định nhưng lại có thể là sách được đông đảo công chúng đón nhận…”

Quả thật, những hành vi triệt hạ sản phẩm sáng tạo của nhân loại kiểu khủng bố sẽ bị lịch sử phán xét: Sau khi Đức Quốc xã sụp đổ, người ta đã cho xây dựng “đài kỷ niệm bảo tàng không có sách” tại quảng trường Bebelplatz Berlin; ngày nay Liên Xô cũng đã bị giải thể; phong trào đốt sách của ĐCSTQ cũng đã được lịch sử ghi lại như những thất bại của tội ác.

Tuệ Tâm (t/h)