Ủy ban nghiên cứu sóng thần của chính phủ Nhật dự đoán một trận động đất lớn sẽ xảy ra vùng duyên hải phía tây nước này có khả năng tạo ra một cơn sóng thần cao đến hơn 23 mét.
Cơn sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/03/2011.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã khảo sát 60 mạch đứt gãy ở lòng biển Nhật Bản, kéo dài từ đảo Hokkaido ở phía bắc đến đảo Kyushu ở miền nam đất nước.
Qua nghiên cứu và mô hình hóa cơn sóng thần, ủy ban chuyên trách về sóng thần Nhật Bản thuộc Bộ đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch hy vọng sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại khi cơn sóng đánh vào bờ biển phía tây quần đảo Nhật Bản.
Mặc dù trận động đất lớn nhưng cơn sóng thần vẫn thấp hơn so với cơn sóng cao 38,9 mét đã đánh vào bờ biển đông bắc nước Nhật vào ngày 11.3.2011, giết chết hơn 10.000 người và gây ra sự tàn phá trên diện rộng trong khu vực.
Ủy ban này cũng ước đoán khu vực chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất sẽ là bờ biển tây bắc Nhật Bản khi cơn sóng có thể đạt chiều cao tối đa là từ 12 đến 23 m. Trong khi đó tại bờ biển phía nam Nhật bản, chiều cao tối đa có thể giảm xuống từ 5 đến 7 mét.
Theo dự đoán, sóng thần có thể đạt độ cao 23,4 mét ở thị trấn Setana, đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Đối với các khu vực bờ biển bằng phẳng, cơ quan chức trách Nhật Bản cho biết sóng thần có thể đạt độ cao trung bình khoảng 10,4 mét trong phạm vi 200 mét tính từ bờ biển vào đất liền.
Tại Tomari, nơi duy nhất có nhà máy điện hạt nhân ở đảo Hokkaido, sóng thần có thể cao khoảng 5,8 mét. Trong khi đó, lò phản ứng Monju và nhà máy điện hạy nhân Takahama ở tỉnh Fukui có thể đón nhận cơn sóng thần cao 2,7 đến 3,3 m.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở Niigata, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, sẽ hứng chịu con sóng cao khoảng 3,5 mét. Chiều cao sóng thần đánh vào bốn nhà máy trên đều được dự đoán thấp hơn khoảng 15 mét so với cơn sóng đã đánh vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng 3.2011.
Theo Motthegioi, The Wall Stress Journal.