Qua nhiều thập kỷ tìm tòi nghiên cứu, nhà khảo cổ William James Veall tin rằng ông đã tìm thấy dấu vết của một nền văn minh cổ đại bên dưới lớp băng tan ở Nam Cực.
William James Veall là một nhà nghiên cứu độc lập từng theo học kỹ thuật và khảo cổ ở Southampton, Anh quốc. Ông thường sử dụng vệ tinh viễn thám để tìm kiếm các địa điểm khảo cổ học tiềm năng. Đó là những thiết bị không người lái do Veall thiết kế nhằm mục đích tiếp cận và khảo sát những địa điểm mà con người khó đến được trên hành tinh chúng ta.
Ông Veall cho biết một nền văn minh tiền sử có thể đã từng khắc họa hình ảnh con người, động vật và các biểu tượng khổng lồ trên bề mặt Nam Cực.
Các bức ảnh vệ tinh mà ông chụp ở Cape Adare, một bán đảo ở cực Nam của lục địa này đã cho thấy các hình ảnh như đầu người khổng lồ, chân dung động vật và các biểu tượng khác trên địa hình. Nếu lời nói của ông là chính xác thì điều này có nghĩa là một nền văn minh tiên tiến nào đó đã tạo ra những tác phẩm này từ hàng ngàn năm về trước.
Điều này có vẻ đi ngược lại với nhận thức thông thường khi người ta luôn cho rằng Nam Cực chỉ được phát hiện từ đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, những tin đồn về một lục địa rộng lớn ở được truyền từ thời cổ đại đã thôi thúc không ít nhà thám hiểm miệt mài tìm kiếm, như nhà du hành vĩ đại người Anh James Cook là một ví dụ.
Lịch sử chính thống chưa bao giờ có bất kỳ tham chiếu nào về những tác phẩm điêu khắc này hay thậm chí là một nền văn minh tiên tiến đã từng tồn tại ở Nam Cực. Do vậy, những tuyên bố như của ông Veall thường nhận được nhiều sự hoài nghi từ công chúng và họ xem đó chỉ là ảo giác hay một sự trùng hợp nào đó.
Đáp lại những hoài nghi này, Veall cho biết ông đã “nghiên cứu về hình ảnh điêu khắc trên đá từ vệ tinh trong gần 40 năm và đề ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để loại bỏ các nghi ngờ đây chỉ là ảo ảnh”.
Veall còn mời thêm các nhà khoa học khác xác nhận và tiếp tục khám phá thêm về những hình ảnh từ vệ tinh này. Nếu đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc từ hàng ngàn năm trước, chúng sẽ bị xói mòn đáng kể. Và vì là hình ảnh được chụp từ không gian nên cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận những điểm chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, ông tin rằng một trong những nền văn minh tiên tiến cách đây 6.000 năm – nền văn minh của người Sumer cổ đại có thể đã đặt chân đến vùng đất này.
Nhà ngôn ngữ học, TS. Clyde Winters đã đồng ý với cách lý giải của ông Veall, vì các biểu tượng trong tấm ảnh có vẻ giống văn tự của người Sumer cổ.
Ông Winters, người có bằng Thạc Sĩ về Ngôn Ngữ và Nhân chủng học từ Đại Học Illinois-Urban, trong một lá thư gửi ông Veall có viết: ”Những chữ viết được khắc trong hình ảnh có liên quan đến người Sumer”. Khi nói về “gương mặt người” được chụp từ vệ tinh, ông cho rằng đây có thể là một vị tư tế hay nhà tiên tri có quyền lực trong văn hóa Sumer.
Ông Veall cho biết địa điểm các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy là một nơi hợp lý cho những chuyến du hành xuyên đại dương để đến Nam Cực thời cổ.
Theo ông Veall, Cape Adare là một địa điểm hợp lý để đến Nam Cực từ Đại Tây Dương, và các nhà thám hiểm cổ đại có thể đi theo tuyến đường liên biển dọc theo bờ biển phía đông châu Úc. Kể từ khi nhà thám hiểm người Anh James Ross phát hiện ra Cape Adare năm 1841, nơi đây trở thành một vị trí tương đối thuận lợi cho các khám phá Nam Cực của người hiện đại.
Ngoài ra ông còn tìm thấy các “tác phẩm điêu khắc” tương tự trên Đảo Marambio, nơi được gọi là “Cổng vào Nam Cực“ từ Argentina.
Ông Veall không phải là người đầu tiên cho rằng một nền văn minh cổ đại tiên tiến từng tồn tại ở Nam Cực. Năm 1929, nhà thần học người Đức Gustav Adolf Deissmann đã tìm thấy tấm bản đồ kỳ lạ Piri Reis, vẽ thứ gì đó giống như châu Nam Cực 300 năm trước khi nó được phát hiện.
Một điều kỳ lạ là châu Nam Cực được vẽ vào lúc đó hoàn toàn chưa bị băng bao phủ, cách nay hơn 6.000 năm. Việc này đã đặt ra một giả thuyết về nền “siêu văn minh” tiền sử không chỉ thông thạo kỹ thuật hàng hải mà còn cả hàng không đã từng sinh sống ở Nam Cực trong quá khứ xa xôi.
Hoàng An biên dịch