Tinh Hoa

Nguy cơ nước biển dâng do tảng băng trôi 1.000 tỷ tấn mới xuất hiện ở Nam Cực

Các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ tảng băng trôi khổng lồ vừa chính thức tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực vì lo ngại nó có thể khiến mực nước biển dâng cao, đại dương ấm lên.

Vết nứt trên thêm thềm băng Larsen C dẫn đến sự tách rời. (Ảnh: NSIDC)

Hôm 12/7, tảng băng có diện tích hơn 6.000 km2 và trọng lượng một nghìn tỷ tấn đã hoàn toàn tách rời thềm băng Larsen C ở Nam Cực, khiến thềm băng này mất khoảng 10% tổng diện tích bề mặt.

Đáng quan ngại hơn là chuyện được dự kiến sẽ tiếp diễn sau đó: Larsen C có thể đối mặt nguy cơ bị tan rã trên diện rộng, theo nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Nam Cực của Anh (BAS) và các đối tác. Vì có thể thúc đẩy mảng nứt vỡ lớn hơn trên thềm băng Larsen C.

Các nhà khoa học lo ngại sự biến mất của thềm băng sẽ khiến những sông băng nội địa của Nam Cực trở nên bất ổn. Trong khi tảng băng tách ra không làm mực nước biển dâng cao, nhưng thềm băng tan vỡ có thể dẫn tới hiện tượng này. Vì nó có thể thúc đẩy băng hà tan nhanh hơn, khiến đại dương ấm lên.

Hai ví dụ rõ ràng trước đó là thềm băng Larsen A bị phá hủy vào năm 1995 và kế đến là Larsen B năm 2002. Trong trường hợp Larsen B, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) so sánh sự kiện này đã làm thay đổi đột ngột môi trường toàn cầu giống như trường hợp “một chiếc ô tô tăng tốc từ 88 lên 708 km/giờ”.

“Các nhà khoa học về băng hà giờ đây sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu phần còn lại của thềm băng Larsen C có trở nên kém ổn định hơn trước hay không. Đồng thời, các nhà sinh vật học cũng sẽ tìm hiểu những hệ sinh thái mới hình thành do sự tách rời này sẽ như thế nào”, Daily Mail dẫn lời nhà phân tích Andrew Fleming của BAS.

Ông nói: “Các vùng cực ảnh hưởng rất lớn đến đại dương và khí quyển. Song khu vực tây Nam Cực đã chứng kiến sự ấm lên với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất địa cầu trong những thập niên gần đây. Đó là tin không tốt cho những loài đặc chủng như chim cánh cụt Adélie hay chim cánh cụt hoàng đế”.

TinhHoa tổng hợp