Trong khi ta đang nói về ai đó mà người đó đột nhiên xuất hiện, người ta thường hay nói câu: đúng là “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”? Ý nói là vừa nói đã đến quá mau lẹ. Vì sao lại nói “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của câu này nhé!
Tào Tháo là một nhân vật có thật trọng lịch sử. Ông là nhà chính trị quân sự kiệt xuất cuối thời kỳ Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc – Là người có rất nhiều “tai mắt”, hành sự mau lẹ, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Trong dân gian lưu truyền rằng:
Trong lúc Hán Hiến Đế bị liên quân Lý Giác và Quách Tị đuổi bắt. Nhiều người hiến kế đề cử Tào Tháo, nói rằng Tào mới lập được công dẹp yên giặc khăn vàng ở Thanh Châu, nên có khả năng cứu giá. Trong khi thư vẫn chưa tới nơi, thì liên quân Lý Quách đã đánh đến. Trong tình thế vô cùng cấp bách, Tào Tháo đã hạ lệnh cho Hạ Hầu Đôn xuất quân hộ giá kịp thời, đánh tan quân Lý Quách. Sau đó Tào Tháo được phong thăng quan tước. Nên từ đó mới có câu: “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”.
Tuy nhiên, trong Tam quốc lại nói:
Sau khi Tào Tháo chinh phạt Đổng Trác, đã đảm nhiệm chức vụ thái thú Đông Quận. Lúc ấy giặc khăn vàng lại nổi lên ở Sơn Đông, ông cùng với Tương Bào Tín ở Tề Bắc chinh phạt quân Hoàng Cân, chiêu hàng hơn 30 vạn quân đầu hàng. Từ đó Tào Tháo uy danh ngày càng lớn, được triều đình phong chức làm Trấn Đông tướng quân.
Đổng Thừa, Dương Phụng sau khi hộ giá đến Lạc Dương, nhưng lo sợ Lý Giác, Quách Tị tới đánh chiếm, tấu xin Hán Hiến Đế gọi Tào Tháo vào triều, phụ trợ Vương Thất. Tào Tháo sau khi tiếp chỉ, điều hết quân ở Sơn Đông đến Lạc Dương hộ giá. Tào Tháo vừa tới thành Lạc Dương thì liên quân Lý Giác và Quách Tị cũng vừa kéo đến tấn công Lạc Dương. Từ đó mới có câu “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”, ý nói Tào Tháo đến cứu giá kịp thời.
Hồng Khang, dịch từ kannewyork.com