Tinh Hoa

Người xưa thường nói ‘tích đức, thất đức,’ vậy Đức ấy là gì?

Người xưa thường dặn dò con cháu rằng “tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có câu rằng: “thất đức, tổn đức”. Vậy đức ấy là gì?

Người xưa có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Chữ “德” (đức) được tạo thành từ 5 bộ, bao gồm: “彳”, “十”, “罒”, “一” và “心”. Ý nghĩa như sau:

Chữ “Đức”, theo cuốn “Khang Hy tự điển” giải thích là “Thiện mỹ, chính đại quang minh, trong sáng”. Thực ra trong lời bói quẻ thời nhà Thương và tài liệu lịch sử thời kỳ trước khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa, thì “Đức” và “Đắc” là có liên hệ mật thiết. “Đức” có hàm ý là đạt được, có được. Trong cuốn “Thuyết văn giải tự” giải thích “Đức” như thế này: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân” (Tạm dịch: Người có Đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm).

Đức được người xưa xem là tiêu chuẩn phân biệt giữa con người với cầm thú. Chỉ khi phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức mà con người cần phải có thì mới xứng được gọi là người. Mà làm người, muốn “Tề gia trị quốc, bình thiên hạ” thì đầu tiên phải “Tu thân”. Tu thân chính là tu dưỡng đạo đức bản thân. Căn cứ trình độ tu dưỡng đạo đức cao hay thấp, người ta chia làm 4 hạng người là Thánh nhân, người tài, quân tử, và tiểu nhân. Cho nên hoàng đế cần phải “Tu Đức cho xứng với Mệnh”, “Kính Đức hạnh và bảo vệ nhân dân”, nhân dân “Sỹ phu có trăm hạnh, đứng đầu là Đức”, cần phải “Tu thân dưỡng Đức”.

Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Mặc dù ngày nay đức không được coi trọng như xưa kia, nhưng điều may mắn là thi thoảng chúng ta lại có dịp thốt lên một câu rằng: “tài đức vẹn toàn”. Có tài mà không có đức thì sẽ gây họa loạn cho xã hội. Có người nói rằng có đức mà không có tài thì cũng vô dụng thôi. Nhưng không phải thế, có đức thì tất sẽ có tài. Nếu không phải cái tài ở phương diện kỹ thuật thì sẽ là cái tài khiến người khác mến phục tin tưởng, bởi vì đức chính là tiêu chuẩn để nhân loại nhận định tốt xấu, phân biệt đúng sai.

Chính vì thế, có đức là có tất cả!

 

Theo minhhue / trithucvn