Thành công sau một đêm, làm giàu trong phút chốc, đó là những gì mà con người hiện đại đang theo đuổi, nhưng người xưa lại không suy nghĩ như vậy.
Khương Tử Nha 80 tuổi mới gặp được minh chủ, Tư Mã Ý 60 tuổi mới được trọng dụng, Lưu Bang lúc 40 tuổi vẫn còn ở huyện Bái làm đình trưởng. Bởi vậy có thể thấy, từ cổ chí kim, người thực sự lợi hại trước nay không bao giờ nóng vội.
Khổng tử nói: “Đừng lo không có chức vị, chỉ lo không đủ tài đức để nhận chức vị. Đừng lo không ai biết mình, chỉ mong sao mình có tài đức để cho người ta biết đến”.
Không nóng nảy, tâm kiên định
Người có thể giành được chiến thắng sau cùng, thường thường là những người giữ được sự bình thản. Thời kỳ Tam Quốc, nước Thục và nước Ngụy tranh đấu với nhau. Trong trận chiến ở gò Ngũ Trượng, quân Thục đi đường xa đến, lương thảo vận chuyển bất tiện. Lúc đó Gia Cát Lượng đang bị bệnh, ông biết rõ chiến sự kéo dài thì sẽ bất lợi, nên nóng lòng muốn tốc chiến tốc thắng.
Tư Mã Ý đã nhìn thấu điểm này, mặc cho quân Thục ở phía trước chửi rủa, vẫn cứ đóng chặt cửa doanh trại không ra. Gia Cát Lượng nghĩ ra một kế, ông tặng cho Tư Mã Ý một cái váy của phụ nữ, với ý trêu chọc Tư Mã Ý: “Trốn ở trong thành không dám ra ứng chiến, giống như đàn bà vậy, sao có thể gọi là hảo hán được!”
Tư Mã Ý vẫn thản nhiên như không, thậm chí còn mặc cái váy đó lên người, vui lòng nhận “hậu lễ” này của Gia Cát Lượng.
Ở trên gò Ngũ Trượng, hai quân Thục – Ngụy giằng co cả trăm ngày, mãi cho đến khi Gia Cát Lượng mắc bệnh rồi mất ở trong quân doanh, quân Thục không đánh mà lui, Tư Mã Ý không cần tốn nhiều sức mà đã có thể trừ đi được đối thủ nguy hiểm nhất đời mình.
Bước đi trên đường đời, đừng để cho người khác nhiễu loạn nhân tâm của bạn. Kiên định, không nóng nảy, đợi cho đối thủ lộ ra sơ hở, đó chính là thời điểm mà bạn có thể giành lấy chiến thắng.
Không hấp tấp, tâm tính trầm ổn
Người thực sự lợi hại, đều phải biết đạo lý “hậu tích bạc phát”, tức là phải chuẩn bị đầy đủ thì làm việc mới tốt. Họ liên tục cố gắng nhưng lại không nóng nảy, họ tin rằng thành công không thể nào chỉ làm một lần là xong, muốn có được tài năng trong lĩnh vực nào, nhất định phải quyết tâm thật cao.
Đại thư pháp gia Vương Hiến Chi thời Đông Tấn, chính là con trai của ‘Thư thánh’ Vương Hi Chi. Vương Hiến Chi từ nhỏ đã nhìn thấy được danh tiếng của cha, rất nóng lòng muốn đi ra giới thư pháp để thể hiện bản thân mình.
Năm 14, 15 tuổi, thư pháp của Vương Hiến Chi đã rất xuất sắc rồi, nhưng so với cha thì vẫn còn kém xa. Ông chủ động tìm đến cha hỏi: “Con làm thế nào mới có thể viết chữ cho đẹp được?”.
Cha dẫn ông đi đến sau vườn, chỉ vào một dãy 18 cái chum đựng nước rồi nói: “Dùng nước này mài mực viết chữ, khi nào nước ở trong chum đều sử dụng hết, chữ tự nhiên cũng luyện thành”.
Vương Hiến Chi nghe theo lời dạy bảo của cha, từ đó về sau không hề nóng vội, giữ tâm trầm ổn mà nghiên cứu thư pháp. Cuối cùng ông cũng được vinh danh là “Á thánh” trên thư đàn, và trở thành “Thư thánh” đệ nhất sau khi Vương Hi Chi qua đời.
Đường đi cứ bước từng bước, chữ cũng từng nét từng nét mà viết, dục tốc bất đạt. Không hấp tấp, tâm tính trầm ổn. Luyện tập cho thật giỏi, đường tương lai mới có thể càng đi càng rộng.
Không nóng nảy, không lo nghĩ
Không nóng nảy là một loại thái độ trong cuộc sống, cũng là một cảnh giới nhân sinh. Trong “Thái căn đàm” có nói: “Tuế nguyệt vốn lâu dài, chỉ là người ta bận bịu mà tự gấp rút; phong hoa tuyết nguyệt vốn là chuyện thanh nhàn, chỉ là người ta tự làm rối mình”.
Có người cảm thấy thế giới như luôn chạy về phía trước, chúng ta phải ra sức truy đuổi, bằng không thì sẽ bị thời đại bỏ rơi. Nhưng sự thật lại thường là, bạn càng nóng vội, lại càng giống như một con quay chuyển động không ngừng, tiêu hao sức khỏe, tiêu hao thời gian, cũng tiêu hao cả tinh lực.
Hãy học theo phong thái của lạc đà, đây là một loài động vật rất bình thản, không hề vội vàng, cứ chậm rãi đi rồi cũng đến, cứ chậm rãi nhai, rồi cũng no.
Nhân sinh không cần phải sốt ruột, cứ tìm đúng phương hướng, bước đi từng bước một. Không cần đi nhanh, chỉ cần đi đều, chậm rãi bước chân, hưởng thụ cuộc sống mỹ hảo.
Chân Chân biên dịch