Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng đạo trời không phân biệt bất cứ người nào, mà chỉ thường ban những thứ tốt đẹp và may mắn cho người lương thiện.
Hiện nay, rất nhiều người cầu Thần bái Phật chỉ đơn giản là mang tâm mong muốn được trời cao, quỷ thần trợ giúp. Nhưng trong tư tưởng của đại bộ phận người xưa, bất luận là Nho gia, Phật gia hay Đạo gia đều cho rằng, một cá nhân nếu muốn được trời cao chiếu cố và trợ giúp thì không thể cầu từ bên ngoài, mà là cần phải thông qua việc tu thân dưỡng tính, trở thành một người tốt, thì khi đó thiên thượng tự nhiên sẽ tương trợ.
Người tốt không thể thiếu hành thiện
Người hiện đại rất chú trọng đến tâm thiện, còn cổ nhân lại nhấn mạnh vào việc hành thiện. Lương thiện chỉ có thể nói rõ một người có tâm địa thuần lương, có lực lượng “thiện” lớn mạnh; mà hành thiện, chính là đem cái lực lượng lớn mạnh đó phát huy ra, thông qua việc trợ giúp người khác, trợ giúp chính nghĩa mà khuếch đại, khuếch trương loại lực lượng này, từ đó gia tăng phúc báo.
Người tốt, không chỉ cần có thiện tâm, mà còn cần cố gắng làm việc thiện. Giúp người gặp khốn khó, khích lệ người, trợ giúp người, tán thưởng người. Ngoài ra, phải tin tưởng vững chắc rằng bản thân là người tốt, có thể vì trở thành người tốt mà phó xuất, bảo trì được cái tâm như thủa ban đầu. Hành thiện từ những việc nhỏ, như vậy trời cao nhất định sẽ an bài những điều tốt nhất cho bạn, trợ giúp bạn.
Người tốt cần tự mình cố gắng
Người lương thiện nhất đinh phải tự mình cố gắng, bởi vì trời cao sẽ không trợ giúp một người cam chịu, sẽ không chiếu cố người không có tâm cầu tiến bộ.
Trong “Chu Dịch” có câu: “Tự thiên hữu chi, cát vô bất lợi”. “Tự”, tức là chỉ chính mình, gọi là tiểu vũ trụ; “Thiên”, tức là chỉ trời cao, gọi là đại vũ trụ. Tiểu vũ trụ và đại vũ trụ này hợp lại làm một, chính là thiên nhân hợp nhất.
Tự mình cố gắng, chính là điều kiện tiên quyết để trời cao bang trợ. “Tự” chính là nguyên nhân bên trong, là tiểu hoàn cảnh; “Thiên” là nhân tố bên ngoài, là đại hoàn cảnh. Cho nên nói, đại hoàn cảnh, tiểu hoàn cảnh đều bảo hộ chính mình, thì đương nhiên tâm tưởng sự thành, không có chỗ nào bất lợi.
Người tốt là người đại khí
Người đại khí là người có đại nhãn giới, đại trí tuệ, đại năng lực. Làm người đại khí, đối với người khác hay đối với sự tình đều cần siêu xuất, không thể bị hãm sâu vào đủ loại tình cảm, được mất trên đời, đòi hỏi bụng dạ phải rộng lớn, có thể dung nạp cả đại địa.
Người đại khí, vừa trang trọng lại ôn hòa, cho nên có uy nghiêm mà không hung mãnh. Người đại khí, từ tính cách đã tỏa ra ánh quang, nhưng khi ở cùng người khác tuyệt nhiên sẽ không vênh váo hung hăng, cho nên, dù có tỏa sáng muôn màu lại không chói lóa.
Người này, đối mặt với hết thảy mọi thứ của cuộc sống đều có thể nắm có thể buông, khi nào cần tiến thì tiến, cần lui thì lui, ổn định trầm tĩnh, dù Thái Sơn đổ trước mặt cũng không biến sắc.
Cuối cùng nên nhớ, chúng ta rất nhiều người đều đang mong cầu được may mắn, phúc lộc giàu sang, muốn được trời cao trợ giúp. Tuy nhiên, cần phải nhớ kỹ, trọng điểm của vấn đề nằm ở chính mình, ở chỗ tu thân dưỡng tính của bản thân, không phải ở chỗ người khác, cũng không phải ở nơi khác.
Có câu rằng: “Đạo trời gần gũi nhất chính là với người có đức”, chỉ người tích đức hành thiện, mới có thể được thần minh tương trợ.
Tuệ Tâm