Thông thường nhiều người nghĩ một cơ thể khỏe mạnh liên quan đến chế độ tập luyện và ăn uống nghiêm ngặt. Tuy nhiên đó không phải là các yếu tố duy nhất quyết định vấn đề sức khỏe của bạn.
Theo nghiên cứu của trường đại học Notre Dame, những người mà bạn thường xuyên tiếp xúc cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.
Bạn bè có tác động như thế nào đối với sức khỏe
Các nhà nghiên cứu của trường đại học Notre Dame đã thực hành một vài trắc nghiệm yêu cầu những người tham gia sử dụng Fitbits (thiết bị đeo thông minh) nhằm ghi nhận lại hành vi sức khỏe hàng ngày của họ như số giờ ngủ, nhịp tim, số bước chân đi bộ,… để kiểm tra về mức độ hạnh phúc, căng thẳng và tích cực khác nhau của những người này.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu vừa thu thập được ở trên cùng mức độ quan hệ xã hội của từng cá nhân để so sánh và phát hiện ra rằng người có nhiều mối quan hệ tốt thường có sức khoẻ tốt hơn nhóm những người còn lại.
“Tôi tin rằng những lời khuyên trong việc đưa thiết bị theo dõi sức khỏe vào thực nghiệm là có ý nghĩa, nhưng tôi nghĩ chúng sẽ không mấy hiệu quả, bởi vì các thiết bị này chỉ có thể đo lường các chỉ số về thể chất, còn về sức khỏe tinh thần và tâm lý thì không thể đo được, đó chỉ là cách nhìn một chiều mà thôi.” Nitesh V.Chawla, đồng tác giả nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố với tờ Sience Dailly.
Như vậy, một công ty nếu muốn nhân viên của mình trở nên tích cực và hạnh phúc hơn thì hãy khuyến khích họ nên duy trì các mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp với nhau, kèm theo các hoạt động thể thao lành mạnh.
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện thông qua việc quan sát 300 người trên 65 tuổi, và đã phát hiện tình bạn có tác động sâu sắc đến tình trạng thể chất của họ. Theo nghiên cứu, những người lớn tuổi mà có nhiều mối quan hệ xã hội tốt, thường sẽ đi lại nhiều hơn là ngồi yên một chỗ, bởi họ buộc phải đi ra ngoài để tiếp xúc với bạn bè của mình. Nếu không, họ sẽ chỉ ngồi ở nhà suốt ngày để xem tivi, từ đó ít vận động thể chất, khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao.
Debra Umberson, giám đốc trung tâm nghiên cứu dân số của đại học Texas Austin nói với tờ Express: “Nghiên cứu về mức độ lão hóa thường tập trung vào việc kết nối xã hội và các mối quan hệ chặt chẽ như vợ chồng, cha mẹ và con cái. Nghiên cứu mới này dựa trên dữ liệu ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng của tất cả các loại tiếp xúc từ mỗi người trong suốt cả ngày. Và kết quả cho thấy việc thường xuyên tiếp với người khác sẽ có lợi ích quan trọng cho mức độ vận động và sự ổn định tâm lý của một người”.
Người không có bạn bè rất dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm
Một nghiên cứu đến từ Tổ chức Sức khỏe Tâm thần đã cảnh báo rằng những người trong độ tuổi từ 18 đến 34 có khả năng cảm thấy cô đơn nhiều hơn so với những người trên 55 tuổi.
Thông thường, người không có bạn bè sẽ sống một cuộc sống biệt lập, họ có thể tự gây tổn thương tâm lý cũng như hủy hoại cơ thể của chính mình. Ngoài ra, sự cô độc cũng là nguyên nhân gây ra stress, khiến tăng lượng protein là fibrinogen trong cơ thể.
Được biết, chất fibrinogen nếu vượt quá mức cho phép có thể dẫn đến việc tích tụ chất béo trong động mạch, từ đó làm tăng huyết áp của một người. Nghiên cứu do Havard thực hiện đã khám phá ra rằng người chỉ có 5 bạn bè sẽ sản sinh ra lượng fibrinogen cao hơn 20% so với người có 25 bạn.
Ông David Kim, tác giả chính của nghiên cứu đã nói với The Telegraph “Sự kết nối xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh chất fibrinogen. Nếu một người chỉ sống trong cô độc thì hậu quả có thể gây nên bệnh tim mạch và đột quỵ. Vì vậy các chính sách và việc cải thiện kết nối xã hội có thể có tác dụng tốt đối với sức khỏe, thậm chí vượt xa hơn cả lợi ích của việc cải thiện điều kiện kinh tế”.
Thiện Thành biên dịch