Sau khi đọc câu chuyện về Hằng Nga bay lên cung trăng, rất nhiều người đều đã từng khiển trách Hằng Nga, cho rằng nàng tự tư, bỏ rơi Hậu Nghệ. Sự thật rốt cuộc là vì sao, có lẽ chúng ta mãi mãi sẽ không biết; nhưng nếu đổi cách nhìn từ một góc độ khác, thì ta sẽ thấy được nguyên nhân.
Ở đây xin đưa ra một câu chuyện khác được ghi chép lại trong sách cổ. Câu chuyện này có vài chỗ tương đồng với câu chuyện Hằng Nga và Hậu Nghệ.
Trong cuốn cổ thư “Tập Tiên Lục”, có ghi chép lại câu chuyện, kể rằng:
Công chúa Nam Dương triều Hán được gả cho Vương Hàm. Lúc đó Vương Mãng – gia tộc của Vương Hàm nắm đại quyền trong tay.
Công chúa Nam Dương thường ngước nhìn trời xanh, tôn sùng tiên đạo, nhớ lại thời hưng thịnh dưới sự trị vì của Văn Đế, Cảnh Đế. Nàng biết, thời Hán Vũ Đế thường có Thần Tiên giáng hạ, bèn nói với Vương Hàm:
“Quốc gia lâm nguy, thời thế hỗn loạn, không phải là chuyện mà nữ nhân có thể quản được. Chỉ mong tâm mình bình yên, thoái thân tu đạo, tránh xa khỏi cảnh huyên náo tranh giành, nhất định có thể trường sinh. Nếu như tiến thoái thuận theo thời thế tầm thường này, e rằng không thể tránh khỏi cái khổ lưu lạc và cái họa bôn ba”.
Vương Hàm nghe xong, nói rằng chàng nguyện dốc sức tận tâm tận lực cho triều đình, và quyết không nghe theo lời khuyên của nàng. Công chúa không còn cách nào khác, bèn tự mình dựng nhà tranh trên núi Hoa Sơn, sống ở đó hơn một năm.
Bởi vì nàng tu hành khổ hạnh, quả thật lòng thành đã làm cảm động Thiên thượng. Đến một ngày, có người nhìn thấy, nàng ở trên đỉnh núi từ từ cưỡi mây lành mà đi.
Đến khi Vương Hàm vào núi tìm kiếm thì không còn tìm được chút vết tích nào của công chúa. Cuối cùng mới nhìn thấy một đôi giày đỏ mà công chúa để lại trên đường núi, liền bước tới nhặt lấy, hóa ra giày đỏ đã biến thành đá rồi. Mọi người về sau gọi nơi đó là “đỉnh Công Chúa”.
Câu chuyện này quả thật rất giống với câu chuyện Hằng Nga và Hậu Nghệ năm xưa. Không phải là công chúa không muốn giúp đỡ chồng tu luyện thành Tiên, mà đây là sự lựa chọn của bản thân chồng nàng.
Hãy thử nghĩ một chút nữa, nếu như Thần Phật thật sự tồn tại, thì tất nhiên sẽ nhìn thấy một màn này? Liệu họ có cho phép một người còn tự tư lên trời chăng?
Chỉ có một khả năng, chính là Hậu Nghệ không phù hợp với tiêu chuẩn của Thần, chứ không phải vì Hằng Nga đã rời bỏ Hậu Nghệ mà đi.
Nguyên nhân này đối với con người thì nghe qua có vẻ bất ngờ, nhưng lại hết sức hợp tình hợp lý. Nếu con người vẫn chỉ mãi dùng lối nghĩ của con người để liễu giải thì mãi chỉ thấy “đáng trách”, mà không thấy chân lý ở trong đó.
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com