Đại kim tự tháp Khufu (hay Cheops) ở Giza được cho là kim tự tháp nổi tiếng nhất Ai Cập. Tuy nhiên, Djoser mới là kim tự tháp đầu tiên được xây dựng với hơn 4.600 năm tuổi, thuộc vương Vương triều thứ 3, tọa lạc tại Saqqara.
Người chịu trách nhiệm thiết kế và thi công kim tự tháp này không ai khác ngoài Tể tướng Imhotep phục vụ dưới trướng Pharaoh Djoser. Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa Djoser và Khufu là hình dạng của chúng. Không như Đại kim tự tháp, Djoser gồm 6 bậc tương tự như các kim tự tháp Ziggurat của người Lưỡng Hà cổ, do đó nó còn được gọi là kim tự tháp bậc thang Saqqara (Step Pyramid of Saqqara).
Hình dáng độc đáo của kim tự tháp Djoser có thể được giải thích dựa vào lối kiến trúc được sử dụng trước thời các kim tự tháp ở Ai Cập cổ xuất hiện. Trong suốt thời kỳ Sơ Triều đại và Cổ Vương quốc, những công trình hình chữ nhật với phần mái mài phẳng và dốc ở các mặt bên là điểm đặc trưng cho những ngôi mộ của các thành viên ưu tú trong xã hội. Công trình dạng này được dựng lên từ gạch bùn hoặc đá, và được gọi là mastabas (nghĩa là ‘cái bàn bùn’ trong tiếng Ả Rập). Có lẽ với ý định cải tiến hơn các triều đại cha ông, vua Djoser đã quyết định xếp chồng 6 mastabas có kích thước giảm dần từ đáy lên tới đỉnh. Có khả năng, việc xây dựng kim tự tháp bậc thang phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức về vương quyền của người Ai Cập, bởi công trình này tượng trưng cho cách thức các vị vua tiến nhập vào vương quốc thần linh sau khi chết.
Dù là vì bất kỳ lý do gì thì kim tự tháp bậc thang Djoser cũng là một công trình kiến trúc tuyệt vời. Với độ cao khoảng 62m, kim tự tháp cao hơn hẳn những vùng cảnh quan ở Saqqara Necropolis nhưng cũng chỉ là một phần của khu phức hợp mai táng lớn hơn được dùng để thể hiện sự tôn kính muôn đời dành cho Pharaoh Djoser. Toàn bộ khu phức hợp rộng 15 ha được bao quanh bởi bức tường đá vôi cao 10,5m lấy từ mỏ đá Tura. Bức tường lớn được tạo thành từ 14 bức tường nhỏ mặc dù chỉ có 1 lối vào (ở phía nam của mặt tiến hướng đông) được sử dụng. Lối vào này được nối liền với Cung điện phía Nam (South Court) thông qua một hành lang gồm các cột đá vôi được tạc hình như những thân cây.
Lối vào kim tự tháp nằm ở phía bắc của công trình và ngôi đền thực hiện việc mai táng cho Djoser cũng có thể được tìm thấy tại đây. Ngôi đền là trung tâm thờ cúng Ka (một phần linh hồn) thiêng liêng của vua Djoser. Những nghi lễ hàng ngày cũng như việc hiến tế cho pharaoh ở thế giới bên kia cũng diễn ra tại ngôi đền này.
Kim tự tháp Djoser tồn tại vững chắc hơn 4,5 thập kỷ dù chịu nhiều tàn phá. Trong 10 năm qua, không ít nỗ lực trùng tu và tôn tạo công trình được triển khai. Tuy nhiên, việc phục hồi đã chịu nhiều chỉ trích do đã làm thay đổi kết cấu bên ngoài của công trình. Hơn thế nữa, phần nội thất của khu di tích cũng bị ảnh hưởng. Dù gặp nhiều phản đối nhưng công việc phục hồi kim tự tháp vẫn được phép tiếp tục.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins