Gần đây, kính viễn vọng vũ trụ Kepler của NASA đã phát hiện 219 ứng viên hành tinh mới và 10 thiên thể trong số đó có thể phù hợp với sự sống. Hóa ra trong vũ trụ có rất nhiều “bản sao” của Trái đất mà đến giờ chúng ta mới biết.
Tại buổi họp báo ngày 19/6 ở Trung tâm nghiên cứu Ames trong thung lũng Silicon, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố nhóm ứng viên hành tinh tiềm năng mới gồm 219 thiên thể trong dải Ngân hà, theo New York Times.
Với phát hiện mới, tổng số ứng viên hành tinh do kính viễn vọng không gian Kepler tìm thấy được nâng lên con số 4.034.
Theo các nhà khoa học, hơn 2.300 ứng viên hành tinh phát hiện trong suốt sứ mệnh Kepler đã được xác nhận, bao gồm 50 hành tinh kích thước tương tự Trái đất nằm trong khu vực Goldilocks quanh sao chủ. Đây là khu vực không quá nóng hay quá lạnh, cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt.
Ứng viên gần Trái đất nhất là thiên thể K77-11. Thiên thể này nhận được cùng mức năng lượng như Trái đất nhận từ Mặt trời, và chỉ lớn hơn Trái đất 30%, theo Susan Thompson, nhà nghiên cứu thuộc dự án Kepler tại Viện SETI ở Mountain View, California.
Nhóm ứng viên hành tinh mới nhất là kết quả từ đợt khảo sát cuối cùng của Kepler ở chòm sao Cygnus. Phát hiện sẽ giúp các nhà khoa học tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, cung cấp ghi chép hoàn chỉnh và đáng tin cậy nhất từ trước tới nay về những thế giới xa xôi.
“Dữ liệu từ Kepler rất đặc biệt, vì nó là danh sách duy nhất về các hành tinh gần giống Trái đất”, Mario Perez, nhà khoa học quản lý chương trình Kepler tại Phòng vật lý không gian của NASA cho biết.
Ông nói thêm: “Kết quả công bố này có ý nghĩa lớn đối với việc tìm hiểu những loại hành tinh và thiên hà khác nhau, giúp chúng tôi nâng cao hiểu biết về cách các hành tinh hình thành”.
Theo NASA, dữ liệu mới là kết quả những phân tích tinh vi nhất của Kepler, mở ra hướng nghiên cứu ngoại hành tinh mới.
Hè năm 2016, các nhà thiên văn công bố 197 ứng viên hành tinh mới và xác nhận 104 hành tinh trong sứ mệnh Kepler. Tất cả hành tinh đều có đường kính lớn hơn Trái Đất 20-50%, xoay quanh sao lùn lớp M mang tên K2-72 ở cách hệ Mặt trời 181 năm ánh sáng.
Kính viễn vọng vũ trụ Kepler phóng vào không gian vào tháng 3/2009, đánh dấu đột phá quan trọng trong công cuộc tìm kiếm những hành tinh kích thước giống Trái đất ngoài hệ Mặt trời, có thể nằm gần hoặc bên trong khu vực thuận lợi cho sự sống quanh một ngôi sao.
Được biết, kể từ khi vận hành, đây là danh sách thứ 8 mà Kính thiên văn vũ trụ Kepler mang lại. Các dữ liệu được phân tích và xử lý từ đài quan sát Kepler trong vòng 4 năm, và qua đó giúp nhân loại xác định được “dân số” của vũ trụ là như thế nào.
“Nghiên cứu những hành tinh là công cuộc tìm kiếm sự sống”, Natalie Batalha, nhà khoa học thuộc dự án Kepler ở trung tâm Ames, cho biết. “Những kết quả này sẽ hình thành nền tảng cho những nghiên cứu tìm kiếm sự sống trong tương lai”.
Suy đoán từ một khoảng nhỏ tới toàn bộ bầu trời, dữ liệu sẽ giúp NASA thiết kế một kính viễn vọng không gian đủ lớn và mạnh để nhận biết hình ảnh những hành tinh quay quanh các ngôi sao khác vào thập niên 2030.
TinhHoa tổng hợp