Một số nơi ở Ấn Độ đang phải trải qua cái nóng 40 – 47 độ C, đây là đợt nắng nóng kỷ lục ở nước này trong nhiều thập kỷ qua khiến nông dân điêu đứng, đến cả những con bò cũng không chịu nổi thời tiệt cực đoan này mà ngất đi.
Nhà khí tượng Michael Guy nói với CNN rằng, năm 2016 toàn bộ Ấn Độ chứng kiến sự tăng nhiệt độ chưa từng có. Trời nóng đến mức bang Bihar phải áp lệnh cấm nấu ăn từ 18h đến 21h để chống cháy rừng.
Hơn 10 thành phố có nhiệt độ cao nhất của Ấn Độ đang hợp tác tìm cách giúp đỡ nông dân, những người không thể có tiền để sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Theo thống kê của giới chức Ấn Độ, 79% hồ chứa nước đã cạn khô, lưu lượng nước trên các con sông ít hơn 75% so với trung bình 10 năm qua.
Hơn 300 gia đình ở miền tây Ấn Độ đã di cư đến một điểm cấp nước ở Mumbai do không thể sống ở nơi có thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt. Thiếu nước khiến người dân phải dùng cả nước giếng, bất chấp việc có thể bị các bệnh tiêu hóa.
Nitya Jacob, người đứng đầu cơ quan quản lý nước của Ấn Độ cho biết, tình trạng thiếu nước uống chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn. Chính phủ Ấn Độ cho biết 330 triệu người bị ảnh hưởng do nắng nóng.
Giới chức Ấn Độ cho biết, mực nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt. Người Ấn Độ sẽ phải đợi chờ ít nhất cho tới giữa tháng 6 khi mưa đến. Hơn 150 nhà hoạt động môi trường của Ấn Độ đã gửi thư ngỏ đến thủ tướng, bày tỏ sự lo ngại về tác động tiêu cực của hạn hán đến nông thôn.
Theo CNN, sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và độ ẩm thấp khiến Ấn Độ trở thành điểm nóng toàn cầu về các bệnh do thời tiết nóng. Ít nhất 370 người đã chết. Năm 2015, hơn 1.300 người ở bang này chết vì nắng nóng trong khi con số trên toàn đất nước là 2.500.
Theo VnExpress