Cha là cây thì con là trái. Trái muốn ngọt lành thì cây ắt phải cắm rễ thật sâu, ắt phải vươn xa tán lá. Cổ nhân nói về “ngũ đức”, là năm đức hạnh của người cha: khoan hậu, nhân từ, tự trọng, trí huệ, tấm lòng rộng rãi. Khoan hậu thì đáng tin cậy. Nhân từ là biết thương người. Tự trọng ắt được người coi trọng. Trí huệ tất có thể đi xa. Tấm lòng rộng rãi vì thông tỏ thiên hạ. Năm đức tính này gây dựng nên hình tượng người cha cao đẹp.
Khoan hậu mới đáng tin
Trẻ nhỏ thường tò mò, hiếu động, khó tránh khỏi sai sót. Một người cha khoan dung, nhân hậu sẽ không dễ dàng nổi giận, mà có thể dung nhẫn dẫn dắt, chỉ bảo cho con dần minh bạch đạo lý làm người, dù có trách cứ cũng là có lý lẽ, có đúng sai. Trách mắng một cách nóng nảy không những không hiệu quả, ngược lại còn khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản nghịch. Thậm chí khiến trẻ trở nên yếu nhược, tự ti, khó hoà đồng.
Nhân từ biết thương xót người trong thiên hạ
Nhân từ tức là lương tâm, lương tâm chính là thiên lý chính đạo. Nhân từ, nhân ái chính là lòng dạ của bậc thánh nhân.
Mạnh Tử có câu rằng: “Người quân tử khác người thường ở chỗ giữ tâm. Người quân tử lấy lòng thương người để giữ tâm, lấy lễ để giữ tâm. Người có Nhân tức người có lòng thương người, người có Lễ tức người biết kính người. Yêu người thì được người yêu lại, kính người thì được người kính lại.”
Người có tâm thiện, vui với việc giúp người, cứu người lúc nguy nan thì những người xung quanh đều sẵn lòng kết giao và càng muốn học hỏi theo. Con trẻ cũng từ đó mà học được cách yêu quý, đồng cảm và thương xót tha nhân.
Tự trọng nên được người tôn trọng
“Thánh Kinh” nói rằng con người là do Thượng đế tạo nên. Con người sống giữa trời đất thì chớ nên xem nhẹ bản thân mình, cần phải biết tự trọng.
Khổng Tử khen ngợi rằng: “Mặc áo bông cũ đứng cùng những người mặc áo khoác da cáo, mà không cảm thấy xấu hổ tự tin, đại khái chỉ có Tử Lộ vậy.”
Tây Lư đi du thuyết các vua nước chư hầu, qua sông chẳng may bị đắm thuyền. Người thuyền chài vớt ông lên, ôm bụng cười mà rằng: “Ông suýt chết đuối, cứu mình còn chẳng xong, tài gì mà đòi đi nói các vua chư hầu.”
Tây Lư đáp: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Chú có tài lội nước, qua sông, vượt gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn.”
Người cha biết tự trọng sẽ biết bảo vệ lòng tự tôn của con cái. Con cái được tôn trọng mới biết cách tôn trọng người khác. Nếu người cha khinh miệt mọi người xung quanh, trẻ nhỏ cũng học theo mà trở nên cao ngạo. Cao ngạo khiến người sinh tâm đố kỵ mà rắp tâm hãm hại, nên sau này đường đời sẽ gặp nhiều trắc trở.
Trí huệ tất có thể đi xa
Gia Cát Lượng dạy con rằng: “Không đạm bạc thì chẳng thể minh trí, không tĩnh lặng chẳng thể đi xa”. Đạm bạc và tĩnh lặng thì không chạy theo thế tục, không ái mộ hư vinh, trong tâm có đạo, đây chính là chìa khóa của trí huệ.
Một người cha có trí huệ sẽ giúp cho con hiểu cách đối nhân xử thế, bớt đi đường vòng, thấu hiểu sự đời và nhân tình thế thái.
Tấm lòng rộng rãi vì thông tỏ thiên hạ
Cổ nhân đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường cũng chỉ vì muốn mở mang tầm mắt, mở rộng tấm lòng. Tấm lòng rộng rãi mới có nhân cách lớn.
Đức hạnh của người cha ảnh hưởng đến con trẻ sâu sắc. Người xưa nói, “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”, cũng là để nói rằng một người thầy đúng nghĩa, thông tỏ thiên hạ, sẽ giống như một người cha vậy, khiến cho học trò thụ ích cả đời, dù sau này có lớn lên, có vươn cánh xa đến đâu, thì vẫn có thể quay trở về thầy để thụ giáo. Xoay trở lại mà nói, một người cha cũng cần phải là điểm tựa cho con trẻ như vậy.
Người làm cha có trách nhiệm rất lớn đối với tương lai của con cái. Mà trong giáo dục con thì không thể chỉ giáo huấn bằng lời, mà phải lấy chính bản thân làm gương, đây được gọi là “thân giáo”. Người cha biết tu dưỡng bản thân sẽ giúp cho con cái thành người.
Theo trithucvn