Tinh Hoa

Một tiểu hành tinh lớn gấp rưỡi ngọn Phan Xi Păng đang hướng tới Trái Đất

Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), vào cuối tháng 4 này sẽ có một tiểu hành tinh với kích thước lên đến 4 km tiến tới Trái Đất. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu nó va chạm với Trái đất thì có thể sẽ gây ra hàng loạt những biến đổi mang tính toàn cầu.

Tiểu hành tinh (52768) 1998 OR2 nếu rơi xuống Trái Đất thì có thể sẽ gây nên hàng loạt những biến đổi mang tính toàn cầu. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Tiểu hành tinh có tên chính thức là (52768) 1998 OR2, được phát hiện vào ngày 24/7/1998 bởi các nhà thiên văn học của chương trình NEAT (theo dõi tiểu hành tinh gần Trái Đất) của NASA. 1998 OR2 có đường kính vào khoảng 1,8 – 4 km với một quỹ đạo bay khá bất thường. 

Các nhà khoa học nhận định rằng, bất cứ thiên thạch nào có kích thước lớn hơn 1 – 2 km đều có thể gây ảnh hưởng trên toàn thế giới nếu va chạm vào Trái Đất. Do đó, với kích thước lớn gần gấp rưỡi ngọn núi Phan Xi Păng (3,147 km), 1998 OR2 “đủ lớn để tạo nên một chuỗi biến đổi toàn cầu” khi xảy ra cuộc va chạm.

Dựa theo thông tin từ Trung tâm nghiên cứu Thiên thạch bay gần Trái Đất, 1998 OR2 dự kiến sẽ ‘tiếp cận’ Trái Đất vào thứ Tư (29/4) lúc 4:56 sáng (theo giờ chuẩn miền Đông – ET). Nó sẽ bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách gần nhất vào khoảng 6,3 triệu km (gấp 16 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng), với tốc độ là 31.319 km/h.

Tiểu hành tinh (52768) 1998 OR2 (vệt sáng xẹt qua) được ghi nhận hôm 19/3/2020. (Ảnh: Wikipedia)

Do đường bay của 1998 OR2 cắt qua quỹ đạo quay của Trái Đất, nên tiểu hành tinh được xếp vào diện “có khả năng gây nguy hiểm”, tuy nhiên, Hệ thống Giám sát của NASA (Sentry System) đã đưa nó ra khỏi danh sách “các sự kiện có khả năng tác động đến Trái Đất trong tương lai”. Được biết, Sentry System liên tục quét va chạm tự động và tính toán khả năng ảnh hưởng của các tiểu hành tinh đến Trái Đất trong vòng 100 năm tới.

Trong vòng 2 tháng tiếp, 1998 OR2 sẽ là tiểu hành tinh lớn nhất bay ngang qua Trái đất, nhưng không phải là tiểu hành tinh lớn nhất từ trước đến nay từng được biết.

Kỷ lục to nhất phải thuộc về “quái vật” tiểu hành tinh 3122 Florence (1981 ET3) với kích thước từ 4 – 8,6 km, bay sượt qua chúng ta vào ngày 31/8/2017, sự kiện này được dự đoán sẽ xảy ra một lần nữa vào ngày 2/9/2057.

Tiểu hành tinh Florence (điểm sáng ở giữa) có kích thước từ 4 – 8,6 km. (Ảnh chụp màn hình video)

Nhiệm vụ phát hiện và giảm thiểu nguy cơ tiểu hành tinh va vào Trái Đất 

Được biết, ngoài việc theo dõi các vật thể có cự ly gần Trái Đất mang tính đe dọa, NASA và các cơ quan chức năng còn thực hiện một nhiệm vụ nghiên cứu các tiểu hành tinh khác mà có nguy cơ va chạm đối với Trái Đất. Đài quan sát các tiểu hành tinh này được đặt tại sườn Cerro Pachón ở trung bắc Chile.

Tuy nhiên, để dự đoán các tiểu hành tinh có thể bay gần Trái Đất, các nhà thiên văn cần phải biết chính xác kích thước cũng như quỹ đạo của chúng.

“Với hàng loạt phát minh cho phép theo dõi các tiểu hành tinh gấp 10 lần công nghệ trước đây, đây là một giai đoạn rất tốt để bảo vệ Trái Đất khỏi những vụ va chạm từ thiên thạch”, Ed Lu, Giám đốc điều hành Học viện Tiểu hành tinh, cựu phi hành gia NASA phát biểu.

Hiện tại, các dự án không gian khác cũng đang được lên kế hoạch. Một trong số đó là “Double Asteroid Redirection Test” (DART – tạm dịch: Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép) của NASA. Đây là một thí nghiệm phòng thủ cấp hành tinh, nhằm ngăn chặn sự tấn công của các thiên thạch vào Trái Đất, sẽ chính thức hoạt động vào tháng 7/2021.

Ảnh mô phỏng của tiểu hành tinh kép Didymos. (Ảnh: NASA)

Mục tiêu chính của DART là thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh kép Didymos. Cụ thể, tàu vũ trụ DART sẽ được phóng lên nhằm “cố tình tự đâm” vào mặt trăng (vệ tinh) của tiểu hành tinh lớn với tốc độ khoảng 6km/s. NASA hy vọng rằng vụ va chạm sẽ thay đổi tốc độ mặt trăng của tiểu hành tinh lớn.

 

Minh họa tàu vũ trụ DART. (Ảnh: NASA)
Ảnh mô phỏng thí nghiệm DART. (Ảnh: NASA)

Tàu thám hiểm bổ sung Hera (thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) sẽ đo chính xác cách DART làm thay đổi vận tốc của tiểu hành tinh lớn, đồng thời nghiên cứu miệng hố do DART tạo nên trên mặt trăng của tiểu hành tinh lớn.

Giang Hội (t/h)