Bao dung là điều lương thiện nhất thế gian. Gia đình bao dung, thì cuộc sống thêm hạnh phúc; vợ chồng bao dung thì tình cảm càng sâu nặng; hàng xóm bao dung thì tình hữu nghị càng lâu bền…
Cuộc sống không phải là chiến trường, vậy nên không cần phải phân tranh cao thấp. Giữa người với người, thêm một phần thấu hiểu, sẽ bớt đi một phần hiểu lầm. Giữa tâm với tâm, thêm một chút bao dung, sẽ bớt đi vài phần tranh chấp.
Giữa các thành viên trong gia đình, cho dù đôi khi có hiểu lầm, mâu thuẫn, thì điều cần thiết chính là phải bao dung lẫn nhau. Không ai là không có sai lầm, cho nên rất cần sự bao dung và tha thứ. Người thân lại càng nên như vậy.
Dù mâu thuẫn thế nào đi nữa, trước mặt mình đây vẫn là những người thân yêu, người đã từng gắn bó với ta suốt một chặng đường dài. Tình cảm, không phải là thứ nói cắt đứt là có thể cắt đứt được. Trên đời, ngoài sinh tử ra, thì không có gì là không thể giải quyết.
Con người thông thường đều lấy bản thân làm trung tâm, luôn cho rằng ý kiến của mình mới là quan trọng, cho nên không mấy khi để ý đến người bên cạnh. Đừng dùng ánh mắt và nhận thức của mình để đánh giá người khác. Cho dù cha mẹ, anh em, nhưng họ cũng có những mặt khác mà bạn chưa từng thấy được.
Có đôi khi, bạn dễ dàng tranh cãi với người nhà, bởi lẽ bạn chưa từng suy nghĩ rằng sẽ hiểu thêm về họ. Đừng nên chỉ lấy mình làm trung tâm, mà quên mất đi cảm giác của người thân bên cạnh.
Có một số việc, cần nhẫn nại, không nên nóng vội. Có một số người cần nhún nhường, không cần cố chấp. Ngoài miệng chịu chút thiệt thòi thì có làm sao? Nhượng bộ cho họ 3 phần thì sẽ như thế nào?
Đối với người trong nhà, khi ý kiến không hợp, bạn không thể chỉ dùng phương thức phản kháng ngang ngược. Hãy học cách nhẫn nhịn, học được cách kiềm chế bản thân.
Có đôi khi, bạn cùng cha mẹ tranh chấp, bạn có từng nghĩ, đấy là do họ quan tâm bạn. Nhưng bạn lại nổi nóng bỏ đi, khiến cho không khí gia đình thêm nặng nề.
Muốn có thể cùng người khác sống hòa thuận cần phải nhẫn 3 phần, nhường 3 phần. Đối xử với người khác không thể quá hà khắc, hà khắc quá thì sẽ không có lấy một người bạn. Biết nhượng bộ, con đường đi sẽ thông suốt. Hiểu được bao dung, con đường sẽ rộng rãi thênh thang.
Có thể trở thành người nhà với nhau là một loại phúc, học được bao dung, nhượng bộ chính là học được cách trân quý.
Gia đình mãi là cảng tránh gió của chúng ta. Nhưng mà, đời người ngắn ngủi, bạn thử tính xem mình còn có thể ở cùng người nhà trong bao lâu? Bớt đi một chút tranh chấp, thêm vào một chút nhường nhịn, có thời gian rảnh thì cùng người nhà tâm sự, ăn một bữa cơm. Đời này, có thể trở thành người một nhà với nhau, chính là duyên phận muôn phần trân quý.
Tuệ Tâm, theo Cmoney