Tinh Hoa

Một câu chuyện cảm động: Làm người, không có gì quan trọng hơn lòng tốt

Câu chuyện về chiếc điện thoại bàn của Paul Villard không ngờ lại chân thành và ấm áp đến vậy. Nó nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng, điều thực sự quan trọng trong cuộc sống này không phải là danh tiếng hay giàu có… mà là trái tim chúng ta luôn được sưởi ấm bởi lòng tốt và tình yêu thương.

Paul Villard và chiếc điện thoại bàn. (Ảnh minh họa: Internet)

Tôi nhớ khi còn nhỏ, gia đình tôi đã có một trong những chiếc điện thoại đầu tiên ở khu phố. Lúc đó, tuy còn quá nhỏ để sử dụng điện thoại, nhưng tôi thường chăm chú lắng nghe những cuộc nói chuyện hồi lâu của mẹ và cha, người luôn có những chuyến công tác ở rất xa.

Tôi đã từng xem những lúc như vậy như một thú vui thuở nhỏ. Khi mẹ bế tôi lên để nói chuyện với cha, tôi đã phải thốt lên: ”Thật kỳ diệu!”, bên trong có tiếng người, đó là cha tôi. Một lần khác tôi tự mình dùng điện thoại và phát hiện 1 giọng nói khác, cô mở đầu bằng câu “Xin vui lòng cho tôi biết yêu cầu của bạn!” và không có gì là cô ấy không biết. Mẹ tôi có thể hỏi cô số điện thoại của bất kỳ ai và khi đồng hồ nhà tôi chạy sai, cô lập tức cung cấp chính xác thời gian hiện tại.

Tôi còn nhớ trải nghiệm đầu tiên của tôi với vị “thần đèn” trong điện thoại này là vào một hôm mẹ tôi sang nhà hàng xóm, lúc đó tôi đang nghịch bộ dụng cụ sửa xe của bố dưới tầng hầm, bỗng 1 cái búa rơi xuống, đầu búa đập mạnh lên ngón tay. Đau đớn khủng khiếp, nhưng tôi đã được dạy rằng không nên khóc trong những lúc như vậy.

Tôi vừa đi vòng quanh ngôi nhà vừa mút ngón tay đang đau nhói. Cuối cùng khi đến cầu thang, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: “Điện thoại!” Nhanh chóng, tôi chạy vào phòng khách đến chỗ điện thoại rồi bấm số “105”. Như thường lệ một giọng nói quen thuộc: ”Xin vui lòng cho biết yêu cầu của bạn”.

Tôi hét vào điện thoại: “Con đau quá”. Những giọt nước mắt như đã sẵn sàng tự lúc nào liên tục tuôn chảy đầm đìa.

“Mẹ con không có ở nhà à?” 

“Không ai ở nhà ngoài con”, tôi khóc sướt mướt.

“Con có đang chảy máu không?”

“Không”, tôi trả lời. “Một cái búa rơi trúng ngón tay con, đau quá”.

“Con biết hộp đá trong tủ lạnh chứ?”, Cô nói. “Mở tủ lạnh ra và lấy 1 mảnh đá nhỏ chườm lên chỗ con bị đau. Nó sẽ làm con thấy dễ chịu hơn đấy. Hãy cẩn thận nhé”, cô nhắc nhở. “Và đừng khóc con trai. Con có đủ mạnh mẽ để làm mọi thứ trừ việc khóc lóc”.

Sau hôm đó, tôi đã hỏi vị “thần đèn” trong điện thoại này về tất cả mọi thứ. Tôi hỏi về Địa Lý để biết Philadelphia là nơi như thế nào, Orinoco là con sông vĩ đại nhưng cũng không kém phần lãng mạn… Sau này khi lớn lên tôi đã có những chuyến hành trình đến đó. Cô giúp tôi giải quyết các vấn đề với môn số học, cô còn giải thích “sóc chuột” mà tôi thấy hôm trước là 1 loài vật nuôi, nó ăn trái cây và các loại hạt.

Chúng tôi cũng không thiếu những câu chuyện buồn, đó là lúc Petey, con chim vàng anh của tôi qua đời. Tôi kể cho vị “thần đèn” nghe về nỗi buồn của mình, cô trầm tĩnh lắng nghe, rồi nói rằng đó là những điều tất yếu để 1 đứa trẻ trưởng thành. Nhưng tôi vẫn thất vọng, tại sao 1 chú chim xinh đẹp hát hay và mang lại nhiều niềm vui cho gia đình lại phải ra đi? Thật quá tàn nhẫn.

Khi đó tôi cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc của cô, “Paul, cháu hãy luôn nhớ rằng, không chỉ có thế giới này, vẫn còn tồn tại 1 thế giới khác để các linh hồn đi về và có lẽ giờ đây Petey vẫn đang hót ở đó”. Tôi đã nghe và hiểu, bằng cách nào đó, tôi cảm thấy tâm trạng mình tốt hơn.

Một lần khác khi tôi đang trò chuyện với vị “thần đèn” của mình qua điện thoại, tôi còn nhớ lúc đó tôi đang hỏi cô về cách đánh vần chữ “F-I-X” (sửa chữa). Ngay lúc đó đứa em gái nghịch ngợm của tôi đột nhiên nhảy xuống từ cầu thang kèm theo 1 tiếng thất thanh: ”Yaaá”, tôi giật mình hốt hoảng ngã xuống ghế, kéo theo cả chiếc điện thoại rơi xuống vỡ tan. Hoàn hồn lại, tôi kiểm tra điện thoại thì “thần đèn” đã không còn ở đó nữa.

Tôi đau đớn, có lẽ cú giật mạnh của tôi đã làm cô bị thương. Vài phút sau, có một người đàn ông gọi cửa. “Tôi là người sửa điện thoại. Tôi làm việc gần đây, phía tổng đài báo rằng có 1 số rắc rối ở địa chỉ này”. Tôi đưa cho chú ấy những phần bị vỡ của chiếc điện thoại và hỏi: ”Có vấn đề gì với nó vậy chú?”

“À, không sao đâu cháu”, chú an ủi, “Chúng ta có thể khắc phục vấn đề này trong một hoặc hai phút”. Chú mở hộp điện thoại, bày ra một mớ phức tạp các cuộn dây và mạch điện bên trong cái hộp bé xíu rồi nghịch nghịch một lúc, tôi chỉ nhớ đến thao tác cuối cùng của chú là siết những con ốc để đóng hộp điện thoại lại. Sau đó chú nói vào điện thoại, “Xin chào, đây là Pete, báo cáo trung tâm 105. Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Đứa nhỏ không sao, nó chỉ bị hoảng sợ và kéo đổ chiếc điện thoại thôi”. Sau đó chú gác máy, mỉm cười, vỗ nhẹ lên đầu của tôi và rời đi.

Tất cả điều này diễn ra tại một thị trấn nhỏ ở vùng Tây Bắc, Hoa Kỳ. Khi lên 9 tuổi, gia đình chúng tôi phải chuyển đến tận Boston. Tôi vẫn nhớ về người thầy thông thái và sâu sắc của tôi. “Xin vui lòng cho tôi biết yêu cầu của bạn”, một câu nói quen thuộc gắn liền với chiếc điện thoại cũ kỹ, vì vậy tôi không bao giờ từ bỏ thói quen sử dụng nó thay vì chiếc điện thoại mới bóng loáng trong phòng khách.

Mặc dù đến tuổi thiếu niên, những ký ức về các cuộc trò chuyện thời thơ ấu vẫn không phai nhạt trong tôi. Thường, trong những khoảnh khắc của sự nghi ngờ và lúng túng, tôi sẽ nhớ lại cảm giác thanh bình mà tôi có được mỗi khi gọi cho cô, và có được câu trả lời đúng. Tôi biết rằng vị “thần đèn” đã kiên nhẫn, thông cảm và tử tế thế nào khi dành thời gian nhiều đến vậy cho một cậu nhóc.

Vài năm sau đó, khi trên đường đến trường đại học, máy bay hạ cánh ở Seattle. Tôi có khoảng nửa giờ để chuyển đổi lịch trình bay, tôi đã dành 15 phút hoặc lâu hơn trên điện thoại để trò chuyện với cô em gái đang sống ở đây. Hiện nó đã kết hôn, làm mẹ và đang có một cuộc sống vui vẻ.

Sau đó, đột nhiên có 1 ý nghĩa lóe lên trong đầu và tôi đã gọi về tổng đài 105 ở quê nhà. “Xin vui lòng cho tôi biết yêu cầu của bạn!” Thật kỳ diệu, tôi lại được nghe tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng đó, thật là tốt, đó là cô “thần đèn” lúc nhỏ của tôi. Trong vô thức, tôi hỏi cô: ”Xin vui lòng cho tôi biết cách đánh vần từ F-I-X”.

Một khoảng im lặng dài ở đầu dây bên kia, sau đó là câu trả lời nhẹ nhàng, “Cô đoán, rằng ngón tay của cháu đã lành rồi đúng không?” Tôi cười. “Wow, sau bao năm cháu lại được trò chuyện với cô, cháu tò mò không biết trong suốt thời gian qua cô vẫn tốt chứ ạ?”

Cô trả lời, “Thời gian trò chuyện với cháu là quãng thời gian thật đẹp với cô, chưa từng có một đứa trẻ nào khác như vậy, cô đã dành khá nhiều thời gian để nghĩ về kỷ niệm đẹp đó, thật ngớ ngẩn đúng không?”

Dường như không ngớ ngẩn chút nào nhưng tôi đã không nói như vậy. Thay vào đó, tôi đã nói với cô ấy về những gì mình đã trải nghiệm trong những năm qua, và tôi hứa sẽ gọi lại sau khi khi kết thúc học kỳ. “Được chứ, cháu chỉ cần hỏi gặp Sally”.

“Dạ, tạm biệt cô Sally”.

3 tháng sau, tôi trở lại tại sân bay Seattle và gọi điện. Một giọng nói khác trả lời, “Vui lòng cho tôi biết yêu cầu của bạn”, và tôi đã hỏi gặp cô Sally.

“Anh là bạn của cô ấy à?” – “Vâng. Một người bạn cũ”, tôi nói. 

“Tôi rất tiếc phải nói với anh. Sally chỉ làm bán thời gian trong vài năm qua vì cô ấy bị bệnh. Cô đã qua đời 5 tuần trước”.

Trước khi tôi cúp máy, cô nói, “Chờ một chút. Tên anh có phải là Villard không?” – “Vâng”.

“Cô Sally để lại cho anh một tin nhắn, 1 mảnh giấy viết tay”.

“Đó là gì ạ?”, tôi hỏi, gần như biết trước nó là gì.

“Nó đây. Tờ giấy viết là, ‘Hãy nói với cậu ấy, vẫn còn nhiều thế giới khác để ca hát. Cậu ấy sẽ hiểu tôi muốn nói gì’”.

Tôi cảm ơn cô và cúp máy. Tôi hiểu ý cô Sally muốn nói gì.

Hoàng An, Theo BrightSide