Hăm tã là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ và không mấy nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần xử lý kịp thời và khoa học để trẻ không bị đau và luôn thoải mái.
Hăm tã có thể không quá nghiêm trọng, nhưng nó sẽ khiến trẻ rất đau đớn. Tình trạng này cũng khá phổ biến trong thời tiết nóng bức và gây lo ngại cho nhiều phụ huynh cố gắng để con cái thoải mái hơn.
“Hăm tã là do phản ứng của da với tác nhân kích thích như độ ẩm quá mức, thuốc bôi, khăn lau, tã, hoặc chất thải của trẻ”, bác sĩ Bridget Boyd, Trưởng khoa sơ sinh tại Trung tâm Y tế Đại học Loyola và trợ lý giáo sư nhi khoa tại Đại học Loyola thuộc Trường y Chicago Stritch, nói.
Theo Boyd, những em bé có chế độ ăn lỏng dễ bị hăm tã vì chúng có xu hướng thải phân lỏng nhiều hơn.
“Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên bôi một lớp kem có thành phần kẽm oxit cho mỗi lần thay tã khi đại tiện. Điều này sẽ giúp tạo rào chắn giữa da của trẻ với độ ẩm – là nguyên nhân gây kích ứng da”, Boyd nói. “Chọn loại kem bôi càng đặc càng tốt”.
Hăm tã có thể xuất hiện khi da bé tiếp xúc với một sản phẩm mới như kem dưỡng da, thương hiệu tã giấy mới, hoặc khăn lau.
“Nếu bạn đang thử một sản phẩm mới cho bé và nhận thấy dấu hiệu hăm tã, hãy dùng lại sản phẩm cũ vài ngày. Sau đó, hãy thử sản phẩm mới một lần nữa. Nếu lại tiếp tục bị hăm thì bạn không nên dùng sản phẩm mới”, Boyd nói.
Cô cũng khuyên rằng các bậc cha mẹ nên tránh lau trẻ bằng cồn hoặc nước hoa, vì chúng có xu hướng gây kích ứng da.
“Ngay cả khăn ướt trên thị trường chuyên dùng cho em bé cũng dễ gây ảnh hưởng đến làn da mong manh. Vì vậy, nếu trẻ bị hăm, bạn cố gắng tránh dùng khăn ướt. Thay vào đó, hãy vệ sinh cho trẻ với nước ấm và lau khô bằng một chiếc khăn vải mềm và sạch”, Boyd nói.
Nếu trẻ bị hăm tã, Boyd gợi ý rằng:
- Để phần da bị ảnh hưởng tiếp xúc với không khí nhiều nhất có thể. Bạn nên dùng tã vải cho bé trong những giấc ngủ ngắn.
- Thay tã thường xuyên.
- Bột yến mạch và xà phòng có thể giúp xoa dịu nỗi đau trên da bé.
- Đối với trẻ hơn hai tháng tuổi, bạn có thể xem xét dùng thuốc giảm đau.
Nguyên nhân số 1 của hăm tã là phân lỏng, vì vậy nếu con bạn bắt đầu bị bệnh, hãy chắc chắn áp dụng một loại kem để làm rào cản.
Hầu hết hăm tã sẽ khỏi theo thời gian và cách điều trị thích hợp. Tuy nhiên, có những lúc hăm tã là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.
Nếu hăm tã gây đau đớn và không cải thiện với điều trị thông thường, có thể là do nấm da.
“Những em bé khỏe mạnh có nấm men trong phân của chúng, và tã là nơi sinh sản hoàn hảo vì nấm thích sống trong bóng tối, ấm áp, ẩm ướt. Nếu vết hăm có màu đỏ sáng, ở nếp gấp da và không cải thiện sau ba ngày điều trị, bạn nên đến gặp bác sĩ nhi khoa”, Boyd cho biết.
Boyd cũng đề nghị đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu xảy ra các dấu hiệu sau:
- Trẻ bị sốt không liên quan đến bệnh tật khác.
- Da mưng mủ.
- Vết hăm thành ghẻ.
- Vết hăm lan rộng.
- Xuất hiện u nhọt.
“Hăm tã không phải là một trường hợp khẩn cấp và dễ biến mất trong một vài ngày. Nhưng nếu bạn không yên tâm, bác sĩ nhi khoa luôn luôn có thể cho bạn những lới khuyên”, Boyd nói.
An Nhiên, theo Epoch times