Lương Huệ Vương nói với Mạnh Tử: “Trẫm đối với trị quốc, có thể nói là dùng hết tâm lực. Ở Hà Nội, mùa màng không tốt, trẫm liền đem bách tính nơi đó, di chuyển một ít đến Hà Đông, lấy lương thực ở Hà Đông, vận chuyển một ít đến Hà Nội. Hà Đông có thiên tai, trẫm cũng làm như vậy.
Trẫm khảo sát một chút chính trị của nước láng giềng, không một quốc gia nào có thể quan tâm bách tính như Trẫm. Nhưng, bách tính nước láng giềng, cũng không giảm; bách tính nước ta, cũng không tăng nhiều. Đây là đạo lý gì?”
Mạnh Tử hồi đáp: “Đại Vương yêu thích chiến tranh, xin cho phép thần lấy chiến tranh làm ví dụ. Trống trận thùng thùng vang lên, binh lính hai bên binh khí giao phong; bên bại ném khôi giáp, kéo binh khí chạy trốn, có người chạy một trăm bước thì dừng lại, có kẻ chạy năm mươi bước đã dừng. Những binh lính chạy năm mươi bước, châm biếm binh lính chạy một trăm bước là đào binh, là quỷ nhát gan. Xin hỏi: “Bệ hạ đối xử thế nào với người châm biếm?”
Lương Huệ Vương nói: “Không được. Người châm biếm chỉ là không chạy đến một trăm bước, nhưng cũng là đang chạy trốn mà!”
Mạnh Tử nói: “Đại Vương hiểu được điểm này, thì không nên hy vọng bách tính của ngài nhiều hơn nước láng giềng. Nếu không làm lỡ việc canh tác nông nghiệp, lương thực liền ăn không hết; không cần thả lưới thật sâu bắt cá, cá cũng ăn không cạn; tùy theo mùa vụ, đốn cây lấy gỗ sẽ dùng không hết. Khi lương thực và thịt cá ăn không cạn, gỗ dùng không hết, như vậy sẽ giúp dân chúng có thể cung dưỡng người sống; có thể làm tang sự cho người chết, mà không cảm thấy tiếc nuối. Dân chúng đối với sinh nhai, tang lễ, đều không cảm thấy tiếc nuối, đó chính là khởi đầu cho đạo của đấng Quân Vương.”
“Trong vườn năm mẫu, trồng cây nuôi tằm, người năm mươi tuổi có thể mặc quần áo tơ lụa; nuôi gà, heo, chó, không bỏ qua thời kỳ sinh sản, thì người bảy mươi tuổi sẽ có thịt ăn; người trồng một trăm mẫu, không nên lạm dụng thời gian canh tác nó, thì mấy nhà sẽ không chịu đói; nghiêm túc làm tốt công tác trường học, dạy học trò đạo lý hiếu kính, người người kính trọng người già bề trên, thì người râu tóc hoa râm sẽ không phải cõng hoặc đẩy đồ vật; người bảy mươi tuổi có quần áo mặc, có thịt ăn, bách tính không ăn đói mặc rách. Làm được như vậy, há còn không thể xưng vương với thiên hạ, đó là việc chưa từng có!
“Bây giờ, người có tiền thì đầy heo, chó, lương thực, lại không biết kiểm điểm, tiết kiệm; trên đường có người chết đói, quốc gia lại không mở kho cứu tế; bách tính chết rồi, lại nói: “Đây không thể oán ta, chỉ trách mùa màng không tốt. Nó tương tự như dùng đao giết người, lại nói: “Đây không thể oán ta, là đao giết, nên trách cây đao.” Nếu Đại Vương có thể không đổ tội cho mùa màng, như vậy bách tính thiên hạ đều sẽ quy thuận Ngài.”
Theo Đại Kỷ Nguyên