Nhân gian là một vở kịch; toàn bộ lịch sử nhân loại, lúc hưng thịnh khi suy tàn, chuyện đúng chuyện sai, thế sự xoay vần, triều đại đổi thay, chiến tranh hòa bình, vv… cũng đều là một vở kịch. Cùng mạn đàm về tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa và suy ngẫm về vở kịch lớn nhân sinh này.
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông?
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng,
Thị phi thành bại theo dòng nước,
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không.
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh triều hồng,
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi,
Vốn đã quen gió mát trăng trong,
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ,
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng.
Tư tưởng biểu đạt trung tâm của tác giả La Quán Trung cũng ẩn chứa trong đó, đồng thời đã nói ra mối quan hệ đối ứng giữa con người với thiên thượng nội trong phạm vi vũ trụ nhất định.
Vạn vật trên thế gian, công danh lợi lộc, vinh hoa phú quý, vốn chỉ là trăng trong nước, hoa trong gương, đến cuối cũng đều là công dã tràng, vạn kiếp đằng đằng, hết thảy đều đã có an bài.
Trong vô số lần thay đổi triều đại của lịch sử, đều có tầng tầng lớp lớp các bậc anh hùng hào kiệt xuất hiện, vô số người đã lập nên những công trạng lớn lao, nhưng cuối cùng đều quy về một nắm đất vàng.
Núi sông tốt đẹp đâu đâu cũng thấy, núi vẫn là ngọn núi đó, sông vẫn là con sông đó, đế vương lại không biết đã thay đổi bao nhiêu người rồi, từ anh hùng hào kiệt cho đến danh tướng đế vương ngày trước cũng chỉ là tiếng cười ha hả trong miệng của những người quy ẩn xuất thế gian.
Ngay phần đầu của tiểu thuyết đã miêu tả một số hiện tượng chẳng lành xuất hiện vào những năm cuối nhà Đông Hán, rắn cuộn tròn nằm trên ngai vàng, mưa đá đập hỏng nhà cửa, động đất, sóng biển, gà mái hóa trống, v.v…..đều là thiên thượng cảnh tỉnh người đời sẽ có những biến hóa to lớn phát sinh.
Không lâu Hoàng Cân khởi nghĩa, anh hùng từng người từng người một lần lượt xuất hiện, nhưng đều là để bảo vệ hoàng quyền chính thống, cùng nhau bao vây tiêu diệt anh em Trương Giác.
Trương Giác vốn là tú tài không thi đậu, vào núi hái thuốc, gặp được Nam Cực Tiên Ông tặng cho ba quyển thiên thư tên “Thái Bình Yếu Thuật”, và dặn rằng: ” Nhà ngươi phải thay trời giáo hóa, cứu độ thế nhân, nếu khởi tâm khác, tất gặp ác báo“.
Vốn dĩ, Trương Giác nên dùng thuật này để cứu vớt người đời thoát khỏi biển lửa, không ngờ tâm công lợi nổi lên, vọng tưởng bản thân làm hoàng đế. Tức là, tâm cảnh Trương Giác đã từ thiện chuyển sang ác, tiên pháp cũng đã biến thành yêu thuật, mê hoặc làm loạn nhân gian, cuối cùng quả nhiên không được chết yên thân.
Nam Cực Lão Tiên vốn là một vị Thần Tiên siêu thoát phàm trần, nhìn thấy thế gian bắt đầu hỗn loạn, hy vọng thông qua sức của mình khiến cho xã hội đương thời ổn định, nhưng không biết hết thảy đều là an bài của thiên thượng, hết thảy đều có định số, bất cứ sinh mệnh nào cũng đều không thể nghịch thiên hành sự.
Trương Giác không làm được hoàng đế, Đổng Trác muốn làm cũng không làm được. Đổng Trác đêm ngủ long sàng, dâm loạn cung nữ, họa loạn triều cương, khi quân phạm thượng, giết hại hiền thần, tin dùng tiểu nhân, kết bè kết đảng, bởi vì làm ác quá nhiều, trời giận người oán, nên đã rút ngắn dương thọ của Đổng Trác.
Thật ra, Đổng Trác ta không phải là chết dưới tay của Lữ Bố, mà là trời muốn giết ông ta. Chăng thế mà, mấy lần chôn cất, đều có sét đánh vào quan tài, người dân đi ngang qua không ai không dùng tay lấy đá ném vào đầu ông ta, dùng chân chà đạp thi thế ông ta, thật là tội ác xuyên khắp vũ trụ này.
Sau đó, chư hầu hỗn chiến, chỉ còn lại Ngụy Thục Ngô, một bên thì được thiên thời, một bên thi được nhân hòa, một bên thì được địa lợi, ngang vai ngang vế, tạo thành thế chân vạc.
Anh hùng các nơi ban đầu đều là duy hộ giang sơn nhà Hán, dưới sự khéo léo của các loại cơ duyên, có người bị diệt, có người chiếm đất làm vương, đều khác xa với lý tưởng ban đầu của mỗi người, đều là trong lúc vô ý mà hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mỗi người.
Cổ nhân có nói: “Năm mươi hiểu mệnh trời”, phạm vi vũ trụ mà văn hóa truyền thống Trung Quốc có thể liễu giải được rất rộng lớn, vận mệnh của mỗi một người thật sự đã được định sẵn trong số mệnh, ngay đến cả chỗ nhỏ nhặt nhất cũng đều đã có an bài tường tận.
Quả thực, nếu như không có định số, tất cả đều là tùy cơ, thì một số người tu hành làm sao có thể suy diễn và đoán trước được những chuyện còn chưa phát sinh? (ở đây không tính những thầy tướng số lừa bịp dựng sạp ở bên đường).
Người xưa thường nói: Thiện ác cuối cùng đều có báo. Gia Cát Lượng bảy lần bắt Mạnh Hoạch, có một lần hỏa thiêu quân của Đằng Giáp, nhìn thấy quân của Đằng Giáp chết đau đớn trong biển lửa, ông không khỏi rơi lệ: “Ta tuy có công với xã tắc, cũng ắt sẽ phải tổn thọ”. Về sau, tế sao ở gò Ngũ Trượng chưa thành công, vào thời khắc cuối cùng bị Ngụy Diên hủy đi đèn Thất Tinh, đúng với câu nói có nhân ắt có quả.
Con người hiện nay, trước những sự việc xảy ra thường nói “ngẫu nhiên”, “trùng hợp”. Thật ra, vạn sự vạn vật đều có quy luật tuần hoàn của nó, không phân lớn nhỏ, hết thảy đều có định số.
Có lẽ, sẽ người hỏi: “Nếu như trong mệnh đã an bài rồi, thì sao lại tổn thọ đây? Trong mệnh bao nhiêu tuổi thì phải sống đến bấy nhiêu tuổi mới mất chứ, không đến tuổi đó thì sao chết trước được”.
Bởi vận mệnh của người ta có thể thay đổi: Làm việc tốt vận mệnh sẽ chuyển hóa sang chiều hướng tốt, làm chuyện không tốt thì sẽ chuyển hóa sang chiều hướng không tốt. Sự tình tốt hơn hoặc xấu hơn sẽ làm tăng hoặc giảm trên phương diện thọ mệnh và phúc báo.
Thiên thượng luôn trừ ác khuyến thiện. Vậy nên, xã hội trước đây từng xuất hiện các tai nạn khi đạo đức con người xuống dốc, thiên thượng sẽ có những khảo nghiệm đối với từng người một.
Trong các triều đại lịch sử đi sâu vào lòng người trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, giai tầng sĩ phu đều rất được tôn trọng. Phần tử trí thức thời đó cũng đều cương trực không kém, sự kiên cường của họ đã đóng vai trò xương sống của văn hóa dân tộc Trung Hoa.
Đương thời cũng không thiếu những người lấy văn hóa làm thủ đoạn lừa đời lấy tiếng, cũng có một số làm bậc thang để thăng quan phát tài.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” cũng nhắc đến Hoa Hâm trước làm quan bên Ngô, sau lại đi theo Tào, rất có tài danh. Hoa Hâm với Bỉnh Nguyên, Quản Ninh là chỗ thân thiết. Người thời bấy giờ gọi ba người họ là một con rồng: Hoa Hâm là đầu con rồng, Bỉnh Nguyên là bụng con rồng, Quản Ninh là đuôi con rồng. Nhưng Quản Ninh coi thường nhân cách làm người của Hoa Hâm, bèn tuyệt giao cắt chiếu ngồi riêng, không còn qua lại với ông ta nữa. Về sau Hoa Hâm vì lợi ích của công danh cuối cùng đã làm ra chuyện giết hoàng hậu, trợ giúp gian hùng, uy hiếp thiên tử, để lại tiếng xấu muôn đời. Có bài thơ than Hoa Hâm rằng:
“Văn nhân bỗng giở thói tàn hung
Bắt mẫu nghi và phá cấm cung
Một buổi thêm nanh cho cọp sói
Ngàn năm để bẩn tiếng đầu rồng”.
Lại có thơ khen Quản Ninh rằng:
“Quản Ninh lầu ấy ở Liêu Ðông
Người vắng, lầu trơ để nhớ mong
Danh lợi Hoa Hâm muôn thuở nhục
Sao bằng mũ trắng sống thong dong”.
Kỳ thật, phương thức tu luyện có rất nhiều loại. Không chỉ có Phật gia, Đạo gia là tu hành, mà Nho gia cũng là một loại phương pháp tu hành. Chẳng qua Nho gia không áp dụng nghi thức tôn giáo trên diện rộng, cũng không tu được cao như Phật gia và Đạo gia. Tuy nhiên, xác thật là Nho gia có thể tu luyện, có thể đạt được phúc báo của các tầng khác nhau nội trong tam giới (Đạo gia chia Tam giới thành 33 tầng trời). Ở đây, Đầu rồng (Hoa Hâm) để lại tiếng xấu, còn đuôi rồng (Quản Ninh) hưởng phúc nơi cõi trời.
Sự hình thành và suy vong của mỗi một triều đại cũng chính là an bài của thiên thượng. Gia Cát Lượng sáu lần ra Kỳ Sơn, một lòng muốn khôi phục giang sơn nhà Hán, coi diệt Tào tặc là nhiệm vụ của mình, cũng là vì để báo đáp cái ơn tri ngộ của Lưu Bị. Quan viên phụ trách quan sát thiên văn nước Thục báo cáo nói rằng, buổi đêm, khi quan sát thiên tượng thì nước Ngụy không diệt được. Gia Cát Khổng Minh không nghe khuyên can, cứ muốn dựa vào sức mình để khôi phục nhà Hán. Có thể nói, Khổng Minh qua đời là do cúc cung tận tụy hay là do lao lực quá mà mệt chết cũng được.
Thực ra, Gia Cát Khổng Minh làm trái ý trời, vậy nên cũng không có kết cục tốt. Ông là một thế ngoại cao nhân, biết rõ thiên văn địa lý, kỳ môn độn giáp, binh pháp thao lược, vào thế gian, có thể thấy rõ tình (không những chỉ tình cảm bạn bè thân quyến, tình yêu) là điều đại kỵ đối với người tu hành, cuối cùng chỉ rơi vào cảnh tế sao không thành và chết ở gò Ngũ Trượng.
Người ở trong mê, không nhìn thấy được quy luật của vũ trụ vạn vật, vì công danh lợi lộc mà đi phóng hỏa giết người cướp bóc, bất chấp thủ đoạn, đến cuối cùng mấy chục năm qua đi, hết thảy đều phải thanh toán.
Người sau có bài ca tóm tắt đầu đuôi truyện Tam Quốc như sau:
Gươm Cao Tổ Hàm Dương thuở nọ,
Vầng phù tang soi đỏ góc trời.
Chân nhân Bạch thủy nối ngôi.
Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh.
Vận suy bĩ thương tình Hiến Đế,
Mảnh kim ô đã xế non đoài,
Tiếc thay Hà Tiến vô tài,
Gian thần Đổng Trác giữ ngôi triều đường,
Vương tư đồ mưu toan quật khởi,
Đảng Dĩ, Thôi lại nổi đùng đùng,
Bốn phương trộm giặc như ong,
Ầm ầm sáu cõi anh hùng kéo ra:
Chi Tôn Sách đánh qua Giang Tả,
Cánh họ Viên giữ ngả Hà Lương
Ba Tây có gã Lưu Chương;
Cảnh Thăng chiếm giữ Kinh Tương xưng hùng;
Yên với Lỗ đóng vùng Nam Trịnh,
Toại cùng Đăng giữ tỉnh Lương Châu;
Công Tôn Toản, Lã Ôn Hầu,
Nọ thành Trương Tú, kia lầu Khổng Dung!
Tào Tháo mới gian hùng quỷ quyệt,
Khéo dùng người, thu hết anh hào.
Đường đường trướng phủ ngôi cao,
Uy quyền hống hách ai nào dám đương?
Huyền Đức gặp Quan, Trương kết ngãi,
Thề cùng nhau đem lại sơn hà,
Chỉ thương bốn bể không nhà,
Nay đông, mai bắc, lân la cõi trần.
Cầu Gia Cát ân cần quyến cố,
Giãi tấm lòng gắn bó nhỏ to,
Rồng bay, hổ nhảy, tranh đua,
Tây Xuyên gây dựng cơ đồ một nơi.
Thành Bạch Đế mấy lời thấm thót,
Tình thác cô chua xót nhường bao!
Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào,
Một tay mong chống trời cao nghìn trùng!
Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng,
Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa!
Khương Duy cậy sức làm già,
Chín phen đánh Ngụy kể đà uổng công!
Đường vào Thục Đặng, Chung kéo đến,
Vận Viêm Lưu phút biến thành Tào!
Tào kia cũng chẳng được bao,
Lại đem thiên hạ mà trao tay người!
Đền Thụ Thiện ngất trời mây phủ,
Sông Tam Giang sóng gió êm dòng,
Hàng vương xiết nỗi thẹn thùng,
Công hầu may cũng thong dong trọn đời.
Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường,
Tam phân một giấc mơ màng,
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay…
Đến đây, bài thơ mở đầu và kết thúc của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” hoàn toàn ăn khớp với nhau, phân lâu rồi sẽ hợp, hợp lâu rồi lại phân, thiên mệnh lần này đã quy về nhà Tư Mã.
Một đoạn lịch sử đặc sặc xuất hiện vào những năm cuối nhà Đông Hán đã hạ màn, vô số hào kiệt đấu giết với nhau, nhưng lại không biết, mệnh số do trời định, quốc gia do trời thành, kịch bản đã có rồi, mỗi một nhân vật lớn nhỏ khác nhau đều là dựa theo kịch bản mà biểu diễn, không ai có thể làm trái lẽ trời, thay triều đổi đại cũng chẳng qua là phân cảnh từng đoạn một, hết thảy đều đã tự có an bài cả rồi.
Tiểu Thiện dịch từ epochtimes.com