Nhạc Phi, một vị tướng thời Nam Tống, được biết đến là người rất giỏi thư pháp, nhưng cũng tinh thông cầm kỳ. Mỗi khi Nhạc Phi phiền muộn, luôn gảy đàn cổ cầm, để biểu đạt buồn giận trong tâm. Ở đây kể lại một câu chuyện liên quan đến Nhạc Phi gảy đàn được lưu truyền trong dân gian.
Năm 1141, Nhạc Phi chống lại quân Kim, liên tiếp giành được thắng lợi, đội quân của ông tiến vào trấn Tru Tiên, hết thảy binh lính tướng sĩ nhà họ Nhạc ai nấy đều sĩ khí dâng trào, quyết tâm đánh vào phủ Hoàng Long, doanh trại của Kim Ngột Thuật.
Tần Cối sai thích khách thích sát Nhạc Phi
Trong khi Nhạc Phi đang cùng với cấp dưới bàn định chuyện xuất binh, thừa tướng Nam Tống là Tần Cối đã thúc giục Tống Cao Tông liên tiếp hạ mười hai đạo kim bài, triệu Nhạc Phi mau chóng trở về kinh thành. Ông ta muốn lừa Nhạc Phi trở về kinh thành để dễ bề bày mưu sát hại.
Nhạc Phi cách kinh thành Lâm An không xa, bỗng trước mặt có mấy giáo úy cản ông lại, nói: “Thánh thượng có chỉ, lệnh cho tướng quân nghỉ ngơi ở ngoài thành, không có thánh chỉ, không được vào thành”.
Buổi tối hôm đó, Nhạc Phi ở trong một ngôi chùa. Trong lòng thật sự phiền muộn, cả đêm không sao ngủ được, ông tản bộ một mình, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đầy sao, liên tục lắc đầu thở dài. Đi vào trong phòng, nhìn thấy trên tường có một cây cổ cầm, đưa tay lấy xuống, chỉnh âm luật, đặt lên trên bàn mà gảy.
Kế hoạch thứ nhất thích sát Nhạc Phi mà Tần Cối thực thi là bảo thân tín từ trong nhà ngục chọn ra một tử tù thân thể cường tráng, căn dặn y đi đến ngoại thành thích sát một kẻ mật thám, sau khi chuyện thành công, không chỉ có thể được miễn xá tội chết, mà còn được ban thưởng hậu hĩnh.
Tên phạm nhân này nghe nói là thích sát mật thám, lại có thể được miễn tội chết và còn được thưởng, vui mừng đi đến ngoại thành. Dự tính của Tần Cối chính là: lệnh cho tử tù hành sự, miễn cho hắn ta tội chết, hắn tất nhiên sẽ bán mạng đi làm; sau khi giết chết Nhạc Phi, rồi sẽ bắt hắn ta lại giết người diệt khẩu, thần không biết, quỷ không hay, không để lại chút sơ hở nào. Tần Cối càng nghĩ càng đắc ý, im lặng chờ đợi hồi âm của tên thích khách.
Thích khách đi vào trong sân chùa đó, núp ở đằng sau một cây hòe lâu năm. Y nghe thấy tiếng thở dài của Nhạc Phi ở trong nhà, liền rón rén đến núp dưới cửa, trong lúc Nhạc Phi quay người lấy cây cổ cầm, y vội vàng lách mình đi vào trong nhà, núp ở phía sau tấm bình phong, đề khí, kiễng chân đi lên phía trước mấy bước, chính ngay lúc muốn hành thích thì tiếng đàn vang lên, tên thích khách vội vàng thu đao về.
Thì ra, tên thích khách này là người Yển Thành, cha y là nghệ nhân đàn cầm nổi tiếng, có thể soạn nhạc đánh đàn, mãi nghệ mưu sinh ở nhân gian. Năm ngoái, Tần Cối vì để lấy lòng Kim Ngột Thuật, kiên quyết bắt những nghệ nhân giỏi ca múa, đánh đàn vẽ tranh, chuẩn bị gửi cho Kim Ngột Thuật để tìm thú vui.
Cha của y thà chết chứ không chịu đem tài nghệ của mình để mua vui cho Kim Ngột Thuật, bị ép đến đường cùng, đã ôm đàn nhảy xuống sông mà chết. Cha chết rồi, y lòng tràn đầy thù hận, chạy đến kinh thành, xông vào tướng phủ của Tần Cối liều mạng, bị bắt vào trong ngục, phán tội tử hình.
Nhạc Phi gảy đàn, thích khách nhận ra nhạc khúc
Đàn cổ cầm trong tay Nhạc Phi vang lên, tiếng đàn du dương bay bổng. Lúc dâng cao, giống như thiên quân vạn mã rong ruổi chiến trường, đánh giết quân Kim; lúc trầm thấp, giống như tiếng thở dài tuyệt vọng, trách mắng trời xanh, tưởng nhớ dân tình…
Tên thích khách bỗng nhớ đến tiếng đàn của cha mình, thu đao trở về. Y do dự một hồi, lòng nghĩ: “Người này là ai? Người Kim có thể đánh đàn hay đến mức như vậy ư?” Y dùng một con mắt nhìn qua kẽ hở của tấm bình phòng: “Người đánh đàn là người Trung Nguyên mà!”
“Mặc kệ hắn là ai, nhân lúc hắn đang toàn tâm toàn ý đánh đàn, mình hãy một đao kết liễu hắn cho xong!”. Tên thích khách hạ quyết tâm, vừa muốn ra tay, tiếng đàn bỗng nhiên dừng lại, lúc này, Nhạc Phi thở dài một tiếng: “Ài! Hỏi cho đến khi nào mới có thể thu hồi lại giang sơn đây!”
Tiếng đàn lại đột nhiên khởi lên. Tên thích khách nghe thử: “Nhạc khúc này tại sao lại quen thuộc như vậy nhỉ? Đây không phải là khúc ‘Tống quân hành’ do cha mình sáng tác sao?”
Tiếng đàn liên tục không dừng, trong đầu não của thích khách vụt nhớ lại chuyện cách đây 9 năm về trước…
Năm đó, quân Kim đánh chiếm Yển Thành. Kim Ngột Thuật thiết yến chúc mừng, bắt cha y gảy đàn giúp vui, cha y đã không gảy, trừng mắt đứng ở đó, đập gãy cây đàn ở ngay trước mặt Kim Ngột Thuật, bị bắt nhốt trong doanh trại. Nhạc Phi đến Yển Thành, đánh đuổi quân Kim, cứu thoát cha già.
Ông lão vui mừng, liền sáng tác ca khúc “Tống quân hành” này, đàn tấu khắp nơi, để ca ngợi binh tướng Nhạc gia chống giặc Kim. Một ngày kia, Nhạc nguyên soái đích thân đến nhà, hai người vừa gặp đã thân. Nhạc nguyên soái mới được cha y dạy ông gảy khúc ‘Tống quân hành’…
Tên thích khách nghĩ đến đây, nước mắt lã chã tuôn rơi. Lòng của y bị tiếng đàn lôi cuốn, thuận theo tiếng đàn cảm thấy phấn chấn hùng hồn, quên mất chuyện hành thích. “Pắc” một tiếng, dây đàn đã đứt, Nhạc Phi lặng lẽ đứng dậy, tự nói một mình rằng: “Nhạc Phi ta đây chống quân Kim chí lớn chưa thành, lấy gì để báo đáp phụ lão hương thân”.
Tên thích khách nghe đến hai chữ “Nhạc Phi”, “leng keng” một tiếng, thanh đao rơi xuống mặt đấy, từ phía sau tấm bình phong đi ra, kêu lên tiếng: “Nhạc nguyên soái!” Anh ta quỳ mọp xuống đất, nước mắt tuôn trào, khóc lóc nói rằng: “Nhạc nguyên soái, tôi có lỗi với ông”.
Nhạc Phi nhìn người quỳ ở trước mặt, hỏi: “Cậu là ai?” Thích khách đem chuyện hành thích kể lại đầu đuôi. Nhạc Phi nổi giận ngất trời, hai hành lông mày dựng ngược, lớn tiếng mắng chửi tên gian thần Tần Cối.
Ông đỡ tên thích khách lên, an ủi một hồi, tặng cho y một chút ngân lượng, bảo y hãy trốn đi. Tên tử từ cảm kích muôn phần, dập đầu lạy tạ Nhạc Phi, nhặt thanh đao lên rời khỏi.
Theo Secretchina