Từ lâu ngành y dược đã biết đến việc “lời nói có thể chữa lành bệnh”, tức những tác động với cơ thể khi con người ta chờ đợi những điều tích cực, và y học ngày nay đang tận dụng mối liên kết giữa bộ não và cơ thể để tạo nên những điều tuyệt vời.
Trong chương trình Discovery của BBC World Service, người dẫn chương trình Geof Watts đã giả vờ nói chuyện với bác sỹ Mark Porter về đầu gối bị đau của mình.
Trong suốt cuộc phỏng vấn, từ ngữ của ông Porter đã ngầm tạo một cảm giác tiêu cực cho bệnh nhân.
Ông nói “tôi có tin xấu” và đầu gối của bệnh nhân bị “mòn” do chứng viêm khớp, và thuốc “sẽ chỉ giúp một chút ít” nhưng có thể gây tổn hại tới dạ dày.
Vị bác sỹ sau đó giải thích rằng lời nói của ông có thể tác động thực sự lên cơ thể bệnh nhân.
“Vấn đề ở đây là tôi đã xác nhận mối lo ngại của ông rằng đầu gối của ông đang có vấn đề nghiêm trọng, rằng nó đang gãy vụn, rằng ông sắp tiêu đời“, bác sỹ Porter nói với Watts.
Một số thử nghiệm cho thấy, việc cảnh báo với một ai đó về một số phản ứng phụ sẽ khiến họ có nhiều khả năng cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, ngay cả khi họ đã được cho thuốc giả.
Lời nói chữa lành bệnh
Ngành y dược từ lâu đã biết đến hiệu ứng “placebo”, tức những tác động với cơ thể khi con người ta chờ đợi những điều tích cực. Tuy nhiên, tác động của “nocebo” – ngược lại với “placebo“, có thể mạnh hơn.
“Việc làm hại ai đó dễ hơn là làm việc tốt“, Watts giải thích. “Và điều này rất đáng lo ngại, vì hiệu ứng nocebo có thể được nhìn thấy không chỉ trong ngành y tế mà còn trong cuộc sống“. Trong một số trường hợp, chỉ suy nghĩ bi quan cũng có thể giết chết ai đó.
Tin mừng là y học ngày nay đang tận dụng mối liên kết giữa bộ não và cơ thể để làm những điều tuyệt vời.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, một bệnh nhân được một bác sỹ có biểu hiện tận tâm cho uống thuốc, dù là thuốc giả, sẽ tỏ ra yên tâm về sức khỏe của mình hơn là được một bác sỹ hời hợt cho uống thuốc thật.
Một số nhà khoa học cho rằng, các bác sỹ có thể sử dụng hiệu ứng “placebo” để giảm liều thuốc cho bệnh nhân.
“Tất cả chúng ta đều có khả năng tự chữa lành nhiều bệnh và điều đó có thể được kích hoạt thông qua giao tiếp với người khác“, ông Paul Dieppe từ trường y Exeter nói.
Tất cả đều có thể thể hiện từ những điều đơn giản nhất, như tỏ thái độ ân cần trong lúc chẩn đoán, quan tâm đến nỗi lo và sự sợ hãi của bệnh nhân, theo bác sỹ Porter.
Khi kê đơn thuốc, các bác sỹ nên đề cao mặt tích cực của thuốc và đề cập đến các tác dụng phụ theo hướng khiến chúng trở nên bớt đáng sợ.
“Tất cả mọi lời nói, mọi cái nhìn, đều có khả năng tác động đến bệnh nhân“, ông Ted Kaptchuk từ Đại học Harvard nói.
“Đây là cơ hội mà chúng ta không nên bỏ qua“.
Theo BBC