Từ sự bành trướng của các đô thị đến các sông băng tan chảy và lũ lụt thảm khốc, hành tinh của chúng ta đã thay đổi dữ dội trong 30 năm qua.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng các hình ảnh trực quan cùng dữ liệu nhiệt độ từ vệ tinh để nghiên cứu về biến đổi khí hậu và đã thu thập khá nhiều bằng chứng xác thực.
Các hình ảnh này cho thấy những thay đổi ngoài sức tưởng tượng về cảnh quan trên hành tinh của chúng ta, thậm chí ta có thể nhìn thấy những ảnh hưởng đáng kể của việc mở rộng khu đô thị và ô nhiễm ánh sáng trông như thế nào từ trong không gian.
Theo Nasa: “Hành tinh của chúng ta luôn không ngừng thay đổi, và chúng tôi sử dụng các ưu thế của không gian để nâng cao hiểu biết của chúng ta về Trái đất, cải thiện cuộc sống, và đảm bảo an toàn cho tương lai“.
“Những hình ảnh của sự đổi thay” là một bằng chứng đáng kể để chống lại những người kiên quyết phủ nhận biến đổi khí hậu.
Sự bành trướng của đô thị
Trong 25 năm qua, New Delhi đã trải qua một sự bùng nổ về dân số. Từ dân số 9,4 triệu người vào năm 1991, thủ đô của Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành thành phố đông dân thứ hai trên thế giới với số dân lên đến 25 triệu người vào năm 2016.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thiếu các dịch vụ cơ bản, như trường học, bệnh viện, nhà ở, nước sạch, việc làm…
Các quan chức cho hay, thành phố chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng đủ cho người dân. Cơ sở hạ tầng yếu kém đã làm xuất hiện nhiều khu nhà ổ chuột trong thành phố.
Thành phố New York có diện tích 789 km² với dân số 8,4 triệu người, trong khi New Delhi có diện tích chỉ 42,7 km² mà lại chứa tới 25 triệu người dân.
Băng tan
Bề mặt Trái Đất đã thay đổi rất lớn trong nhiều năm qua, đặc biệt là Greenland. Từ năm 2014 đến 2016, băng ở đây bắt đầu tan nhanh vào mỗi mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
Dù chưa được xác nhận nhưng các chuyên gia cho rằng sự ấm lên toàn cầu đã góp phần gây ra hiện tượng này.
Mức độ tan băng ở Greenland trên mức trung bình năm 2016, cao thứ 10 trong ghi chép vệ tinh 38 năm qua.
Các hồ nước biến mất
Năm 2016, Bolivia phát hiện hồ nước lớn thứ hai tại nước này, Poopó, đã khô cạn một lần nữa.
Trong 3 năm, cái hồ rộng khoảng 3.000 km2 gặp phải hạn hán và bị chuyển hướng dòng chảy để phục vụ khai mỏ và nông nghiệp.
Chuyện này đã từng xảy ra vào năm 1994, mất vài năm hồ mới đầy nước trở lại và hệ sinh thái phục hồi hoàn toàn.
Rừng dần biến mất
Vùng màu xanh trong ảnh chụp năm 1976 đại diện cho các cảnh quan thiên nhiên của Savannah và thảm thực vật Sahel tại rừng Baban Rafi, đó là khu vực rừng quan trọng nhất tại Maradi, Niger.
Tuy nhiên, ảnh chụp năm 2007 rõ ràng cho thấy khu vực này đã giảm đáng kể, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do dân số khu vực đã tăng gấp 4 lần.
Iris, theo Daily Mail