Tinh Hoa

Loài tê giác trắng chỉ còn lại một con đực duy nhất trên thế giới

Con tê giác trắng đực cuối cùng tên là Sudan đang được bảo vệ cẩn mật 24/24 tại một khu bảo tồn ở Kenya để tránh những tay săn trộm.

Sudan cùng với 2 con tê giác cái khác đang được các cán bộ kiểm lâm của khu bảo tồn Ol Pejeta chăm sóc. Đây là 3 trong số 5 con tê giác trắng cuối cùng còn sót lại.

Sudan trở thành con tê giác trắng đực cuối cùng sau khi một con khác tên Suni qua đời ở Ol Pojeta vào tháng 10/2014. Sudan được lắp 1 máy phát vô tuyến để bảo đảm an toàn và bị cắt sừng để những tay săn trộm không dòm ngó.

“Nhu cầu về sừng tê giác và ngà voi ngày càng tăng. Chúng tôi phải cố gắng chống lại những kẻ săn trộm và chịu những nguy hiểm đến tính mạng khi thi hành nhiệm vụ”, Simor Irungu, cán bộ kiểm lâm của khu bảo tồn Ol Pejeta, nói.

Sudan bị cắt sừng để những tay săn trộm khỏi nhòm ngó. (Ảnh CATERS NEWS AGENCY)
Sudan cùng 2 con tê giác cái khác được đưa từ một vườn thú ở Cộng hòa Czech đến khu bảo tồn Ol Pejeta vào tháng 12/2009. Ol Pejeta luôn là nơi lựa chọn để chăm sóc tê giác, vì nơi này khá thành công trong việc nuôi dưỡng loài động vật này.

Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), khoảng 2.000 con tê giác trắng tồn tại vào năm 1960. Tuy nhiên, nạn săn bắn trộm đã khiến số lượng loài này giảm mạnh. Đến năm 1980 chỉ 15 con còn hiện diện và hiện giờ chỉ còn 5 con.

Các nhà khoa học đang cố gắng giúp Sudan giao phối với 1 con tê giác cái nhằm tránh nguy cơ tuyệt chủng nhưng chưa thành công. Sudan năm nay đã 43 tuổi, trong khi tuổi thọ của loài này vào khoảng 50.

Chi phí để bảo đảm an toàn cho những con tê giác trắng cuối cùng này rất cao, vào khoảng 75.000 bảng cho 6 tháng với đội bảo vệ 40 người. Họ được huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị thiết bị hiện đại như kính nhìn ban đêm, máy GPS,… cũng như có chó nghiệp vụ hỗ trợ.

Trước đây, tiền này lấy từ doanh thu du lịch, nhưng tình hình bất ổn ở Kenya hiện nay cộng với đại dịch Ebola khiến tình hình tài chính nước này ngày càng eo hẹp.

Sudan trong vòng vây bảo vệ 24/24. (Ảnh Caters News Agency)
Sudan năm nay đã 43 tuổi. (Ảnh Caters News Agency)

Trong khi đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định tê giác đen Tây Phi đã biến mất vĩnh viễn, bởi không ai và không thiết bị nào phát hiện chúng từ năm 2006 tới nay.

Sừng tê giác có giá dao động từ 170 bảng Anh đến 541 bảng Anh/kg vào những năm 1990, nhưng giờ con số này đã tăng lên 40.000-47.355 bảng Anh/kg, theo báo cáo của Quỹ cứu trợ động vật quốc tế (IFAW).

Theo NLĐ