Tất cả các cuộc tuyệt chủng trong lịch sử đều do thiên nhiên gây ra, diễn ra có tính chu kỳ. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là, liệu cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 có xuất hiện?
Thực tế, nó đang có dấu hiệu manh nha bắt đầu. Lần này không phải do thiên nhiên nữa, mà chính con người đang tiến hành cuộc “tự sát”.
Sẽ không phải là núi lửa phun trào, thiên thạch va chạm, mực nước biển thay đổi đột ngột, mà là ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu…
Tờ Independent (Anh) dẫn lời các nhà khoa học cho hay, Trái đất đang có nguy cơ bước vào thời kỳ đại tuyệt chủng mới, tất cả mọi sinh vật bao gồm cả con người đều có thể tận diệt.
“Loài người chúng ta có khả năng sẽ biến mất sớm hơn..”
Theo nghiên cứu chung của các nhà khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu của Mỹ (gồm: các trường Stanford, Princeton và Berkeley) thì số lượng các loài động vật có xương sống đang biến mất với tốc độ cao hơn 114 lần so với bình thường.
Điều này có nghĩa là số lượng loài đã bị tuyệt chủng trong vòng 100 năm qua bằng số lượng loài tuyệt chủng trong 11.400 năm.
Đại tuyệt chủng thứ 6 do chính con người gây ra
Cụ thể, từ năm 1900, 400 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng và bình thường sự mất mát này chỉ được phép xảy ra trong vòng 10.000 năm.
Cho tới nay, 41% các loài lưỡng cư và 25% động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Sinh vật trên Trái đất đang biến mất với tốc độ chóng mặt. Ảnh: Independent.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học lưu ý: Thời kỳ tuyệt chủng gần đây nhất gắn liền với sự biến mất của loài khủng long cách đây 65 triệu năm.
Nguyên nhân được nhiều học giả chấp nhận là do tiểu hành tinh va chạm vào Trái đất, gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt của sinh vật thời bấy giờ.
Cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đang diễn ra rất nhanh…
Phần lớn nguyên nhân tuyệt chủng là do hoạt động của con người (sản xuất, phá rừng…) dẫn đến ô nhiễm, gây mất môi trường sống….
Liệu con người có phải đối mặt với sự diệt vong do chính mình gây nên. Ảnh: Independent.
Theo Gerardo Ceballos, tác giả chính của nhóm nghiên cứu, nói thêm:“Nếu sự biến mất của các loài còn tiếp tục, cuộc sống sẽ mất nhiều triệu năm để phục hồi và loài người chúng ta có khả năng sẽ biến mất sớm hơn”.
Sự kiện tuyệt chủng (hay còn được biết đến là tuyệt chủng hàng loạt, sự kiện cấp tuyệt chủng (extinction-level event, ELE), hay khủng hoảng sinh học) là sự suy giảm rõ rệt mức độ phong phú và đa dạng các loài sinh vật lớn (không phải vi sinh vật).
Hiện tượng này diễn ra khi tốc độ tuyệt chủng tăng nhanh so với tốc độ hình thành loài. Trong số những loài sinh vật đã từng sống trên Trái Đất, có 97% đã hoàn toàn biến mất.
Theo Soha.vn