Tinh Hoa

Lần đầu tiên con người phát hiện thiên thạch có đuôi

Kính thiên văn không gian Hubble phát hiện một thiên thạch khác thường với sáu chiếc đuôi xoắn ở giữa sao Mộc và sao Hỏa.||

Hôm qua Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo thiên thạch lạ có 6 chiếc đuôi bụi giống như sao chổi. Những chiếc đuôi tỏa ra phía ngoài giống như các nan hoa của bánh xe đạp, AFP đưa tin.

“Chẳng ai tin đó là một thiên thạch. Chúng tôi cảm thấy sửng sốt khi quan sát nó. Điều đáng ngạc nhiên là cấu trúc đuôi của nó thay đổi ngoạn mục sau vỏn vẹn 13 ngày”, giáo sư David Jewitt, giảng viên thuộc khoa Địa cầu và Không gian của Đại học California tại Mỹ, phát biểu. Jewitt là trưởng nhóm nghiên cứu P/2013 P5 – tên của thiên thạch lạ.

Hình ảnh thiên thạch P/2013 P5 vào ngày 10/9 và ngày 23/9. Ảnh: NASA.

Nhóm nghiên cứu tin rằng thiên thạch đã phun bụi trong ít nhất 5 tháng. Do thiên thạch xoay quá nhanh nên rất có khả năng nó bắt đầu tan rã.

“Chúng tôi không nghĩ những chiếc đuôi là hậu quả của một vụ va chạm giữa P/2013 P5 và một vật thể khác, bởi một vụ đụng độ sẽ khiến nó vỡ tan ngay lập tức”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Jewitt đoán thiên thạch lạ ra đời từ một vụ va chạm giữa hai thiên thạch từ khoảng 200 triệu năm trước. Kiểu phun bụi theo từng đợt có thể là cách để nó tự hủy một cách chậm chạp.

“Trong thiên văn, nếu bạn tìm thấy một thiên thể lạ, chắc chắn bạn sẽ phát hiện thêm nhiều thiên thể tương tự. Thiên thạch này là một vật thể thú vị và gần như chắc chắn nhiều thiên thạch giống nó đang chờ chúng ta khám phá”, ông bình luận.

Thái Dương

Theo Tri Thức