Nói lắp thường xuất hiện ở trẻ 2 tuổi trở đi, bởi vì nó là khởi đầu của giai đoạn tập nói. Đây cũng là vấn đề lo ngại của nhiều cha mẹ.
Nói lắp là chứng rối loạn ngôn ngữ tạm thời hoặc mãn tính. Nó xảy ra khi lời nói bình thường bị gián đoạn bởi sự lặp lại của một từ ngữ và kéo dài thời gian hoàn thành ở một câu nói. Đôi khi, tình trạng nói lắp trở nên nặng hơn khi trẻ căng thẳng hoặc trình bày ý kiến trước đám đông.
Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp
1. Do di truyền
Nguy cơ nói lắp ở trẻ em lên tới khoảng 36-60% nếu trẻ có tiền sử gia đình mắc tật này.
2. Do yếu tố tâm lý
Nếu trẻ sống trong một gia đình bất hòa, bố mẹ ly dị, thường xuyên sợ hãi, bị trừng phạt hoặc phân biệt đối xử, các em dễ bị lo lắng, trầm cảm, có cảm xúc tiêu cực và cuối cùng dẫn đến nói lắp.
3. Do các yếu tố phát triển
Thông thường trẻ từ 1-2 tuổi bắt đầu biết nói. Trẻ lên 3 tuổi thường có thể nói một câu dài. Mức độ trưởng thành trí não của trẻ chưa đủ để diễn tả một câu phức tạp sẽ khiến trẻ nói lắp. Thông thường, khi lớn lên, bé đã đủ nhận thức về ngôn ngữ thì tật nói lắp sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu trẻ từ 5-8 tuổi vẫn nói lắp thì trẻ sẽ có thể bị nói lắp vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
4. Do yếu tố môi trường
Trẻ em có khả năng bắt chước mạnh mẽ. Vì vậy nếu các bé sống chung với những người nói lắp, rất có thể các bé sẽ học theo và bị nói lắp.
Cách điều trị bệnh nói lắp
– Cố gắng nói chậm rãi và bình tĩnh khi giao tiếp với con. Khuyến khích những người lớn khác trong gia đình cùng làm điều này giống bạn.
– Cố gắng duy trì bầu không khí yên tĩnh trong nhà khi trẻ đang nói chuyện.
– Chú ý vào điều trẻ muốn nói chứ đừng tập trung quá nhiều vào cách trẻ nói ra những điều ấy như thế nào. Điều này đòi hỏi bạn phải thật sự chậm rãi, bình tĩnh và tập trung trong mọi cuộc giao tiếp với con. Đừng thể hiện sự mất kiên nhẫn hay tức giận của bạn khi con đang nói lắp.
– Đừng đưa ra những câu mệnh lệnh như: “Chậm lại” hoặc “Con nói lại câu đó đi” khi trẻ đang nói chuyện.
– Giảm thiểu tối đa việc đặt câu hỏi giữa chừng hoặc làm gián đoạn mạch câu chuyện trẻ đang muốn truyền đạt.
– Vờ như không bao giờ chú ý đến tật nói lắp của trẻ. Đặc biệt, bạn và những người thân trong nhà đừng cố nhại lại cách trẻ nói lắp chỉ để đùa giỡn.
– Cố gắng dành thời gian cho trẻ để nói về những câu chuyện thường ngày. Khuyến khích trẻ kể chuyện về khoảng thời gian trẻ ở trường hoặc chơi cùng các bạn.
Hà My