Trong quyển “Bố Đại hòa thượng nhẫn tự ký” của tác giả Trịnh Đình Ngọc triều Nguyên, có thuật lại câu chuyện Bố Đại hòa thượng cảm hóa phú hào. Sau này, vị phú hào đã tu thành la hán.
Trong thành Biện Lương có một phú hào họ Lưu tên Khuê, tự là Quân Tá. Tay trắng dựng lập cơ đồ, cả đời cần cù, kiếm được gia sản bạc triệu. Trong danh sách những người giàu có, Lưu phú hào đứng đầu Biện Lương, nhưng cũng là một người keo kiệt bủn xỉn, một xu cũng không chịu mất. Ai muốn lấy một quan tiền của ông ta, chẳng khác nào moi tim, xẻo thịt ông ta vậy.
Mùa đông năm nọ tuyết rơi nặng hạt, có một thư sinh họ Lưu tên là Quân Hữu, từ Lạc Dương đến Biện Lương để học hành. Vì túi tiền cạn kiệt, Lưu thư sinh mấy ngày liền chưa ăn gì, không chịu được đói rét, nằm bất tỉnh ở trước cửa nhà Lưu viên ngoại.
Mặc dù Lưu viên ngoại giữ của như giữ mạng, nhưng bản tính không phải là xấu, liền cứu thư sinh bị hôn mê. Khi hỏi họ tên, thì ra 500 năm trước vẫn là người một nhà, đều họ Lưu, đến cả danh tự cũng trùng khớp, chung tên đệm là Quân, một người tên là “Tá”, một người tên là “Hữu”. Lưu viên ngoại nhất thời cao hứng, liền nhận thư sinh làm nghĩa đệ. Từ đó, thư sinh ở trong phủ Lưu viên ngoại chăm chỉ cần mẫn làm những việc vặt vãnh như cho vay lấy lãi.
Chớp mắt nửa năm đã trôi qua. Bố Đại hòa thượng đến thành Biện Lương, vừa đi đường vừa giáo hóa, tự tại hát vang lời hát trong kinh Phật: “Hành dã Bố Đại, tọa dã Bố Đại, phương hạ Bố Đại, đáo đại tự tại”. Hòa thượng biết Lưu Quân Tá là người bủn xỉn keo kiệt. Vì muốn cảm hóa ông ta, nên đã cố ý đến trước cửa nhà họ Lưu.
Vì Bố Đại hòa thượng bụng phệ, Lưu gia nhân thi nhau chế nhạo ông. Bố Đại hòa thượng không tức giận cũng không buồn bã, chỉ cười ha ha nói: “Ngươi cười ta không có, ta lại cười ngươi có, vạn sự luôn xoay vần đổi thay, mọi người đều tay trắng”.
Lưu viên ngoại không hiểu Phật pháp là gì, Bố Đại hòa thượng muốn viết trên giấy cho ông ta vài chữ. Lưu viên ngoại coi của cải như mạng, không nỡ tốn một tờ giấy. Thế là Bố Đại hòa thượng liền viết lên tay ông ta một từ “nhẫn”, rồi dặn dò: “Chữ nhẫn là bảo bối ông phải luôn mang theo bên mình”. Sau khi Bố Đại hòa thượng đi, bất luận Lưu viên ngoại rửa thế nào, cũng không rửa sạch được chữ nhẫn ở trong lòng bàn tay.
Một hôm, người đòi nợ đến Lưu phủ, muốn đòi lại một khoản tiền mà Lưu viên ngoại nợ. Lưu viên ngoại tiếc của, không muốn trả, thế là xảy ra tranh chấp. Chủ nợ chửi bới đủ điều, Lưu viên ngoại nổi trận lôi đình, cuối cùng lỡ tay giết chết chủ nợ.
Theo pháp luật, giết người phải đền mạng. Lưu viên ngoại muốn vứt bỏ gia nghiệp, trốn đi nơi khác. Đúng lúc bị Bố Đại hòa thượng bắt gặp. Lưu viên ngoại khẩn cầu hòa thượng cứu mạng, đồng thời đồng ý từ giờ tình nguyện xuất gia, một lòng bái Phật. Bố Đại hòa thượng than rằng: “Ta dạy ngươi phải nhẫn nhịn, ngươi vẫn không nhẫn nhịn nổi”.
Để kết thúc ân oán giữa bọn họ ở nhân gian, Bố Đại hòa thượng cứu sống chủ nợ, làm chủ nợ chết đi sống lại. Lưu viên ngoại trả lại số tiền đã vay, nhưng lại hối hận không muốn xuất gia nữa. Gia nghiệp ruộng đất tài sản, vợ đẹp con thơ, làm sao có thể nhẫn tâm vứt bỏ?
Bố Đại hòa thượng bảo ông ta kết một am cỏ ở vườn sau, bảo ông ta tu hành tại gia một thời gian, còn dặn rằng: “Vạn sự phải nhẫn”.
Lưu viên ngoại nghĩ, cả đời mình đều bị tiền bạc giày vò đủ kiểu. Vì tiền, mà tâm can đảo lộn, ăn không ngon, ngủ không yên. Sợ trộm cắp, sợ cướp bóc, còn phải đề phòng hỏa hoạn. Ông ta nhìn chữ nhẫn trong lòng bàn tay, dần dần nghiệm ra chân lý: Thì ra bản thân mình là một kẻ hám tiền, đó chính là một con dao giết người.
Một mình ở trong am cỏ, nhìn hoa nở én bay, chớp mắt mùa xuân lại tới. Lưu viên ngoại tâm hồn thanh tịnh, dần dần có thể kiểm soát được tính cách bốc đồng nóng vội của mình. Nghĩ lại trước kia giở mọi chiêu trò để cưỡng ép người khác, thật không dám nhớ lại.
Một hôm, con trai của Lưu viên ngoại đột ngột đến báo, nói rằng thúc thúc và mẫu thân ngày ngày đều uống rượu bầu bạn. Lưu viên ngoại nghe xong, vô cùng kinh ngạc. Lúc đầu cứu thư sinh nọ, nhận hắn làm nghĩa đệ. Giờ mình tu hành tại gia, gia nghiệp đều giao cho hắn trông coi, hắn lại dám làm chuyện xằng bậy như vậy. Thật là tức chết!
Lưu viên ngoại nhịn không được, liền vào bếp lấy một con dao, muốn đi báo thù. Nhưng khi ông ta giơ dao lên, vô tình nhìn thấy chữ nhẫn ở trên tay. Ông ta nhận ra rằng, trái tim mình như đang bị một mũi dao đâm vào.
Lưu viên ngoại không để tâm ai đúng ai sai, không tham sân si, từ đó xuất gia tu hành. Nhiều năm về sau, Lưu viên ngoại biết được nguồn gốc của mình, thì ra là Tân Đầu Lô La Hán ở thượng giới. Vì trước đây lưu luyến trần tục, nên mới xuống hạ giới. Người đòi nợ đó là Phục Hổ thiền sư hóa thành, đến cả thê tử và con cái, đều là tiên nhân ở trên trời.
Lưu viên ngoại – Tân Đầu Lô La Hán hạ phàm phiêu bạt trần thế, sau khi trải nghiệm vinh hoa phú quý và những chuyện ân oán giữa người với người, lại trở lại thiên giới. Một vở kịch ồn ào náo nhiệt, khi tiệc tan mộng tỉnh, mới biết rốt cuộc đôi bên là ai. Quả đúng là: “Ai ai cũng có một giấc mộng, thiên biến vạn hóa. Khi tỉnh dậy tâm tình hỗn loạn, tất cả đều do nội tâm mà ra”.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times
Xem thêm: