Cổ nhân có câu: “Binh đến tướng đỡ, nước đến đất ngăn”. Nhưng cũng có lúc, không cần phải dùng đến tướng, mà “quan văn” cũng có thể nhẹ nhàng đỡ được “binh” của địch. Thực ra, vào thời nhà Minh, cũng từng xuất hiện một vị quan văn như vậy.
Khổng Dong, người Tô Châu – Giang Nam, là cháu đời thứ 58 của Khổng Tử. Từ bé, ông đã biết cần phải làm người trung hậu nhân nghĩa, chăm chỉ đọc sách. Sau này, Khổng Dong thi đậu Tiến sĩ rồi ra làm quan trong 10 năm. Trong thời gian đó, ông không chỉ liêm khiết thanh bạch, mà còn tạo phúc cho dân.
Nhưng điều truyền kỳ nhất trong cuộc đời Khổng Dong, chính là chuyện ông một mình vào doanh trại phản tặc, chỉ dùng vài lời đã thu phục được hàng ngàn vạn quân mà không cần động đến binh đao.
Chuyện là vào năm Thành Hóa thứ nhất triều đại nhà Minh, Khổng Dong nhận lệnh trở thành Cao Châu Tri Phủ tại Quảng Đông.
Trước ông, có một Cao Châu Tri Phủ từng làm quan phụ mẫu tại đây, ông ta đã hạ lệnh cho đóng cửa thành, vì người Dao tạo phản. Vị quan này nghi ngờ trong dân chúng có người đang kích động sự phẫn nộ của dân, lợi dụng lúc hỗn chiến để ám sát ông, do đó mà không để bất cứ ai vào thành.
Nhưng sau khi Khổng Dong đến nhậm chức, ông hạ lệnh cho mở cửa thành để dân chúng vào, do đó mà dân chúng ùn ùn tấp nập kéo về.
Khi đó, thủ lĩnh phe tạo phản là Phùng Hiểu đóng quân ở Hóa Châu (thuộc Cao Châu Phủ Quản Hạt), và một thủ lĩnh khác của phe tạo phản là Đặng Công Trường đóng quân ở Mao Động. Có một hôm, Khổng Dong cưỡi ngựa dẫn theo hai người trực tiếp tiến vào Mao Động.
Thủ lĩnh phe tạo phản Đặng Công Trường đột nhiên nghe nói Tân Tri Phủ Khổng Dong đến, vội vã tập hợp vây cánh, mặc áo giáp nghiêm trận ra chờ đợi.
Khổng Dong không những không lo lắng, còn chầm chậm xuống ngựa, tiến vào trong sân ngồi chờ. Đặng Công Trường nhìn thấy Khổng Dong không mang đao súng bước đến, mới đầu không hiểu chuyện gì, sau một lúc suy nghĩ, hắn liền ra lệnh cho vây cánh cởi áo giáp xuống, lễ bái với Khổng Dong.
Khi này, Khổng Dong mới ôn tồn khuyên họ bằng một giọng vô cùng thành khẩn rằng: “Các người vốn dĩ đều là dân chúng lương thiện, bị ép chịu đói chịu rét nên mới tạo phản. Quan Tri Phủ trước đây dự tính dùng binh để giết các người, nhưng bây giờ là ta phụng mệnh triều đình đến đây, đảm nhiệm làm quan phụ mẫu nơi này, mọi người cũng như con ta vậy. Nếu các người tin tưởng ta, thì hãy theo ta về, ta sẽ cho các người lương thực và quần áo. Nếu các người không tin tưởng ta, thì hãy giết ta đi, vậy thì đại quân sẽ nhanh chóng đến đây, nơi này sẽ không còn ai có thể sống sót nữa”.
Nghe lời Khổng Dong nói xong, Đặng Công Trường do dự một lúc, còn vây cánh của hắn thì bị làm cho cảm động đến rơi nước mắt. Một lúc sau, Khổng Dong lại nói: “Ta đói rồi, các ngươi lấy đồ ăn gì cho ta đi”. Nghe vậy, Đặng Công Trường bèn dâng tặng rượu và đồ ăn đến cho ông.
Sau khi Khổng Dong ăn xong, lại nói: “Trời sắp tối rồi, ta nên ở lại đây để nghỉ ngơi”. Đặng Công Trường cũng lập tức sắp xếp một chỗ để nghỉ ngơi dành cho Khổng Dong.
Tối đến, Khổng Dong cởi bỏ bộ đồ rồi ngủ thiếp đi ngon lành, dân tạo phản nhìn thấy ông ngủ ngon như thế, cũng đều vô cùng thán phục.
Khổng Dong ở tận 2 đêm rồi mới trở về, Đặng Công Trường bèn phái ra khoảng mười mấy binh sĩ bảo vệ để tiễn Khổng Dong trở về. Nhưng ông chỉ lựa ra một vài vị binh sĩ ốm yếu trong đám binh lính, dẫn họ vào thành, đồng thời đem lương thực và quần áo đưa cho họ mang trở về.
Đặng Công Trường thấy vậy lại càng thêm cảm kích, vì thế đã dẫn theo hàng ngàn người đến đầu hàng quan phủ.
Sau khi Đặng Công Trường đầu hàng, thủ lĩnh phe tạo phản còn lại là Phùng Hiểu, không lâu sau cũng bị cảm hóa và dẫn dân về đầu hàng.
Khổng Dong đã mang một trái tim chân thành mà đi vào ổ giặc, nhẹ nhàng hóa giải một trận chiến đổ máu, thật là chỉ “dùng Tâm sáng tạo nên kỳ tích”.
Chúc Di (Theo Secret China)