Chỉ cần bạn không làm điều gì đó mà người khác muốn bạn làm, bạn đương nhiên sẽ bị gọi là đồ lười. Nhưng sự thật có phải như vậy không?
Lười biếng thường xuyên là lí do người ta bấu víu vào để đánh giá ai đó. Bạn không muốn học, có người sẽ suy ra rằng bạn là đồ lười biếng. Bạn không thích chơi thể thao, có người sẽ suy ra rằng bạn chỉ biện minh. Bạn không muốn đi làm, người nào đó sẽ suy ra rằng bạn thích ăn không ngồi rồi. Ngay cả khi bạn không muốn ra ngoài vui chơi cũng sẽ có ai đó suy ra rằng bạn lười đến nỗi không muốn vác xác đi đâu…
Chung quy, chỉ cần bạn không làm điều gì đó mà người khác muốn bạn làm, bạn đương nhiên sẽ bị gọi là đồ lười. Nguyên nhân vì sao thì có khi bạn biết, có khi bạn cũng không biết nốt.
Đôi khi bản thân chúng ta sẽ bất chợt “không muốn làm gì cả”, cảm thấy chán chường đối với hết thảy mọi thứ, chỉ muốn lẻn về phòng ngồi ngây người ra nhìn vào kệ sách rồi cứ để mặc cho đầu óc mơ mơ màng màng muốn trôi đi đâu thì đi. Đôi khi có người lại muốn viết, viết thật nhanh, thật nhiều cho thỏa cơn ‘điên’ trong lòng nhưng đến khi mở laptop ra thì không biết bắt đầu từ đâu, cứ ngây ngây ngồi nhìn cái màn hình thật lâu rồi tắt máy đi ngủ.
Đôi khi ta bải hoải đến mức chỉ muốn tiêm một liều cafein vào người để tinh thần phấn chấn lên, nhưng ly cafe cái món ta hay nghiện bỗng nhạt thếch. Ta ngồi tự hỏi, điều gì khiến mình rơi vào trạng thái tê liệt như thế này?
Ta cố gắng vỗ về giấc ngủ cho qua cái cảm giác chơi vơi, cảm giác thiếu một điều gì trong lòng nhưng hoàn toàn “đủ rồi” cho tất cả các hoạt động thường ngày khác, nhưng ngủ đẫy giấc rồi nó cũng vẫn còn chình ình tại chỗ quyết thắng không bỏ đi.
Có lẽ khá nhiều người đã trải qua cái cảm giác “mắc kẹt” này. Từ những chuyện to tát như lập nghiệp, xây dựng gia đình, xây dựng mối quan hệ đến những chuyện thường ngày ở huyện như tập thể dục, học hành đến những chuyện be bé như tốn mớ tiền mua cái gì đó về nhà chưng chơi cho vui chứ không có hứng thú xài. Hoặc cũng có khi chúng ta cứ ngủ trầy trật đến trưa mới dậy vì đơn giản là dậy sớm để làm cái giống gì chớ? Khi ai đó hỏi chúng ta có làm cái này không? Có đi chỗ kia không? Chúng ta trả lời ngay “lười quá”.
Có lẽ “đã có gì đó xảy ra với chúng ta rồi”. Có điều gì đó từng làm cho chúng ta đau, sợ hãi, chán ghét, mệt mỏi… Và những điều đó không mất đi, nó tồn tại âm ỉ như tro than đợi đến lúc bùng cháy mạnh mẽ trở lại. Có điều gì đó khiến chúng ta sợ hãi nếu phải đưa ra quyết định cuối cùng, chọn bên này không được, bên kia cũng không xong, vùng vằng lửng lơ con cá vàng. Có điều gì đó mà ta cố quên, vờ như nó không tồn tại, vờ như ta không nhìn thấy, không cảm thấy. Có điều gì đó khiến ta mệt mỏi, chán ghét nên ta phải cố lập luận tự an ủi rằng mình đã làm hết khả năng…
Có rất rất nhiều thứ trong đời ta mơ ước nhưng chưa từng được bắt đầu, có những thứ trong đời ta căm ghét nhưng ta phải hợp tác, có nhiều thứ trong đời ta hăm hở vô cùng nhưng vẫn còn dở dang… Có nhiều thứ khiến ta đau đớn như bị xé toạc làm hai vì sự đối đầu của trái tim và khối óc.
Rất nhiều. Một phần không ít trong chúng ta đến một lúc nào đó bỗng dưng sẽ ngồi xuống và tự hỏi ta đang làm gì, ta là ai, ta muốn trở thành người như thế nào, đã muộn màng quá hay chưa… Tin buồn là không phải ai cũng làm như vậy vì họ quá bận rộn và thường xuyên từ chối tiếng nói từ bên trong. Mỗi khi nó định cất tiếng lên thì họ lại chặn nó lại bằng nào là nhạc pop, nào là truyện tranh, nào là game show, nào là tám chuyện tào lao, nào là nói xấu kẻ khác… Có đôi khi họ cũng đọc sách. Họ sẽ làm tất cả mọi thứ chỉ để chạy trốn vấn đề thật sự của mình.
Và vì thế mà ta thấy mình chơi vơi, cảm thấy thiếu điều gì đó từ bên trong nhưng đã “đủ rồi” từ các hoạt động thường ngày khác ở bên ngoài. Ta không lười biếng và hoàn toàn có động lực để tập thể thao, nhưng có rất nhiều những khi thức dậy, chỉ muốn ngồi vào nhìn kệ sách của mình, nhìn màn hình laptop, nhìn ra cửa sổ trong khi còn chưa đánh răng. Ai đó trong số chúng ta, nếu rơi vào trạng thái tương tự thì hãy tự hỏi mình rằng: “Đã có chuyện gì xảy ra với mình rồi?”.
Theo Triethocduongpho