Để có đủ nước sinh hoạt giữa sa mạc, người Ai Cập đã nghĩ ra phương pháp lọc nước đặc biệt từ cách đây hàng nghìn năm.
Các nhà khoa học thuộc Đai học bang Pennsylvania mới đây vừa phát hiện ra phương pháp lọc nước đặc biệt từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng trước đây hàng nghìn năm. Theo đó, họ đã sử dụng loại hạt cây có tên Moringa oleifera để làm sạch nước. Trước vấn nạn nước sạch toàn cầu hiện nay, phát hiện này có thể mở ra một hướng đi mới cứu sống hơn 840.000 mạng sống trên toàn cầu.
Moringa oleifera là cây hạt kín có nguồn gốc từ chân núi phía Nam dãy Himalaya, chúng phát triển nhanh và có thể chịu được khô hạn, xuất hiện tại nhiều nơi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt.
Vào mùa mưa, hạt cây và lá được thu hoạch để làm lương thực. Trong các nghiên cứu cổ, hạt cây đã được biết đến với tác dụng lọc nước nhưng không chắc chắn về tác dụng diệt khuẩn. Cụ thể, chiết xuất dầu của hạt được sử dụng như chất keo tụ, khi bỏ vào nước chiết xuất này sẽ khiến các chất bẩn tụ lại với nhau và trở thành các hạt không tan, có thể gạn lọc để loại bỏ.
Nghiên cứu mới này cho biết, cả vi khuẩn cũng sẽ bị hấp thụ như các chất bẩn. Khi bỏ hạt này vào nước, hạt protein tích điện dương trong hạt cây sẽ tập trung vi khuẩn lại với nhau, phân giải màng tế bào và giết chết chúng, rồi chìm xuống dưới đáy thùng chứa nước.
Các nhà khoa học của đại học Pennsylvania đã kết hợp với các nhà thực vật học ở đại học Ahmadu Bello, Nigeria để lấy các mẫu thử nghiệm và tìm hiểu thêm về các tiềm năng của hạt cây này. Đây có thể là một nguồn lợi mới cho nông dân bởi họ sẽ có thêm thu nhập, không chỉ để phát triển Moringa oleifera làm thực phẩm mà họ còn có thể thành lập những đồn điền lớn trồng cây lấy hạt giống.
Mặc dù vẫn cần có những nghiên cứu thêm xem liệu có thể loại bỏ được 100% vi khuẩn hay không nhưng đây là một thành công bước đầu cho một phương pháp có thể áp dụng để cứu sống nhiều người bởi trong nước đã lọc vẫn tồn tại các loại vi khuẩn nguy hiểm.
Theo Trí Thức Trẻ