Một nghiên cứu gần đây cho thấy thực vật cũng có thể cảm nhận được khi nào chúng bị ăn và tất nhiên chúng không hề thích điều này. Vì vậy chúng sẽ phản ứng để chống lại việc đó.
Đây là kết quả từ một nghiên cứu của Đại học Missouri từ năm 2015. Theo đó, các chuyên gia phát hiện ra rằng cây cối khi bị ăn có thể tự đưa ra cơ chế tự vệ, nhằm ngăn chặn chuyện đó xảy ra.
Cụ thể, nhóm chuyên gia thực hiện thí nghiệm trên các cây dòng Arabidopsis – bao gồm các loài cây thuộc họ cải như cải xanh, bông cải,… Đây là những loại cây vốn được sử dụng trong rất nhiều thí nghiệm khác nhau, vì chúng là những thực vật đầu tiên được giải mã bộ gene, và cũng là những vật thí nghiệm quen thuộc nhất với khoa học.
Đầu tiên, dựa trên giả thuyết cây cối có thể cảm nhận khi bị ăn, các chuyên gia đã cho một con sâu ăn lá, sau đó ghi lại rung động do chúng tạo ra. Họ kiểm soát các tác nhân tự nhiên khác như tiếng gió, tiếng nước chảy…
Kết quả là gì? Các cây tham gia thí nghiệm sản xuất một lượng tinh dầu có vị giống mù tạt (mustard oil – dầu mù tạt) nhiều hơn hẳn so với bình thường. Loại dầu này giống như một chất độc dạng nhẹ, được cây tiết ra và vận chuyển đi khắp cơ thể nhằm xua đuổi kẻ thù. Trong đó, chúng còn phân biệt được rung động từ “tiếng nhai” với các loại rung động tự nhiên khác.
Để chắc chắn hơn, các nhà khoa học đã cho các cây tham gia thí nghiệm nghe rất nhiều loại âm thanh “tương đồng” với tiếng nhai ngốn ngấu của sâu bướm, bao gồm cả âm thanh do chính những cây đó phát ra khi có gió nhẹ, hay tiếng của côn trùng. Tuy nhiên, không trường hợp nào gây ra sự tiết tinh dầu nhiều như khi cây nghe được âm thanh của kẻ sẽ ăn mình.
“Các nghiên cứu trước kia chỉ ra rằng thực vật có thể phản ứng với năng lượng âm thanh như trong âm nhạc”.
“Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi là minh chứng đầu tiên cho thấy thực vật có thể cảm nhận được các rung động gây đe dọa. Trong đó, rung động phát ra khi ăn có thể kích hoạt cơ chế tự vệ của thực vật, khiến chúng phát ra các chất hóa học để tự vệ”, TS. Heidi Appel từ ĐH Missouri cho biết.
Điều này cũng giải thích vì sao lá cây thường hay bị sâu gặm nham nhở, chứ không ăn hết hoàn toàn. Đơn giản là vì cây cối đã tự mình đuổi chúng đi mà thôi.
Những nghiên cứu trước đây về thực vật cho thấy cây cối có thể đọc được tâm trí con người và biết được ý định của các nhà nghiên cứu. Bằng cách kết nối đến một máy dò nói dối, biểu đồ thu được cho phép xác định những phản ứng khác nhau của chúng, rất rõ ràng, trước suy nghĩ và mục đích của các nhà nghiên cứu.
Lâu nay, chúng ta vẫn luôn cho rằng con người là sinh vật duy nhất có thể nhận thức cuộc sống một cách toàn vẹn, bởi chúng ta có đại não, có tư duy. Tuy nhiên, khi khoa học càng phát triển, những nghiên cứu về các loài thực vật như vừa được kể trên càng ngày càng hé lộ khả năng nhận thức thế giới, tư duy và đưa ra quyết định của thực vật cũng không hề thua kém con người.
Tinh Hoa (t/h)