Tin xấu trùng trùng trên báo mạng, báo viết. Tin tốt khan hiếm lạ lùng. Hung tin được quan tâm, mổ xẻ, theo dõi. Tin tốt thoảng qua hay có lúc chẳng thiết để ý.
Đó là tâm thế sống và tiếp cận thông tin bây giờ. Trong vô vàn tin xấu được truyền đi hàng ngày, có quá nhiều những sự việc xuất phát từ lòng thù hận. Vì thù hận trong chốc lát, người ta vung tay đoạt mạng người khác.
Vì nuôi thù hận lâu dài, người ta tìm cách triệt phá nhau bằng nhiều hành xử dã man năm này qua tháng khác. Người trí thực hành thù hận thâm thúy theo kiểu của người trí, người bình dân hành xử oán hận theo kiểu bình dân.
Mà đâu chỉ có ngoài đường ngoài sá với nhau. Trong làm ăn kinh doanh, người ta triệt hại nhau bằng những đòn thế dưới thuật ngữ cạnh tranh. Các vụ án kinh tế lớn, các vụ tham nhũng tày trời gần đây cho thấy hầu hết đều được vận hành theo lối làm ăn mafia, tay trong tay ngoài, liên minh ma quỷ sẵn sàng đạp đổ nhiều giá trị căn bản lẫn kỷ cương pháp luật để cốt đạt được mục đích mà không coi an nguy của nền kinh tế, của môi trường làm ăn ra gì.
Trong không gian công sở, chuyện mưu hèn kế bẩn có lẽ cũng không ít. Đến nỗi, cách đây ít lâu, có công ty sách nọ đã in nguyên một cuốn sách có tựa Mưu hèn kế bẩn nơi công sở. Cuốn sách liệt kê những thủ đoạn, phân tích mổ xẻ bản chất của nó và gợi ý giúp người lao động chân chính vượt qua các trò bẩn một cách khéo léo.
Trên phương diện quốc gia, đơn cử vấn đề biển đảo, chuyện nước này sử dụng thủ đoạn để dương oai diễu võ, đạp trên luật pháp quốc tế để xâm phạm chủ quyền nước kia, kích hoạt bạo lực để cưỡng đoạt, hùng cứ… xảy ra từng ngày từng giờ, nóng bỏng.
Trên phim ảnh hàng ngày, đầy rẫy cảnh chém giết, thù hận. Một câu thoại hay thấy trong lời thoại những phim Trung Quốc mà gần đây dân mạng hay dẫn lại với ý giễu nhại, đó là: “Ta sẽ làm cho ngươi sống không được, chết cũng chẳng xong”. Nghe, thấy hú vía, nhưng lại dễ đi vào lòng người đến lạ, rồi nó thành câu cửa miệng của khá nhiều người. Chưa biết các nhân vật nói câu ấy sẽ thực thi điều đó thế nào, chỉ biết rằng, với một câu nói, đã có sức hàm chứa hận thù đeo đẳng đến đáng sợ.
Nhưng nếu cứ nhìn vào mọi ngõ ngách đời sống và cứ thấy đâu đâu cũng mưu hèn kế bẩn, ta dễ sinh lòng hoài nghi, trở thành kẻ hoài nghi bi đát. Vậy thì điều gì, triết lý nào có thể giúp chúng ta tìm thấy đời sống thực sự trong sáng?
Nhà trường vẫn dạy trẻ con về lòng cao thượng. Nhưng những bài học thường chẳng có tác dụng gì khi trong đời sống thiếu những thực hành và hướng dẫn cụ thể. Ngày trước, thời hiếm sách, bọn trẻ chuyền tay nhau đọc cuốn Tâm hồn cao thượng của văn hào Ý Edmondo De Amicis và thấm nhuần vì chúng thấy trong đời sống có những người thực hành những điều đó – lòng thương người, tình thầy trò, tình thân bè bạn…
Niềm tin vào sự hy sinh mà độc giả trẻ thời đó đọc được trong sách vở tương thích với những điều tốt lành tích cực mà chúng nhận thấy trong một xã hội mà những hệ giá trị chưa bị xáo trộn, đảo lộn. Tin vào điều tích cực và sống theo, làm theo.
Có đứa còn kể vanh vách nằm lòng về các thuộc tính của sự cao thượng: vị tha, quảng đại, bao dung, nhân ái, vô tư, giản dị, vui vẻ, khiêm tốn, chân tình và biết đối thoại. Ngày nay, những thuộc tính đó trên thực tế được lật lên lật xuống, được hiểu khác, được thay đổi và thay vào trong quan niệm người ta những giá trị thời thượng khác.
Cũng nói thêm, ngày trước, sách vở hiếm, nhưng lại có những học giả như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần đã dành cả cuộc đời theo đuổi những điều giản đơn, thầm lặng lùi ra khỏi những chộn rộn thế cuộc để làm công việc gieo hạt giống tâm hồn cho thế hệ kế cận bằng nhân cách lẫn trước tác – bên cạnh sự nghiệp học thuật đồ sộ. Ngày nay, người trí thức hiểu thời thì nhiều, quan điểm thì lắm, thông điệp sắc sảo bạo liệt không thiếu, nhưng những con đường giản dị như gieo một hạt mầm cao thượng vào tim người từ lâu cỏ mọc, vắng dấu chân.
Trách chi điều tốt dần hiếm hoi trong đời sống. Điều tốt chìm khuất đi trước trào lưu về hận thù, báo oán. Lòng cao thượng là thứ xa xỉ nằm lại trong trang sách nghệ thuật sống và những bài học giáo điều.
Theo thesaigontimes