Khang Hy là một vị minh quân hiếm có từ xưa tới nay, trong 60 năm trị quốc đã kiến lập nên thời kỳ “Khang Càn thịnh thế”. Ông không chỉ để lại rất nhiều công lao chiến tích, đồng thời còn là người vô cùng coi trọng giáo dục gia đình.
Hoàng đế Khang Hy có tất cả 35 người con trai, 20 người con gái và 97 người cháu. Trong việc dạy dỗ con cháu của mình, ông đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, ông thường đưa các hoàng tử hoàng tôn đi cùng trong những cuộc đi săn bắn, thị sát, hay thậm chí là cả những trận tác chiến. Chỉ qua những kinh nghiệm thực tiễn như vậy, ông mới có thể nuôi nấng và giáo dục con cháu của mình.
Khang Hy từng nói với văn võ bá quan: “Trẫm luôn nghĩ đến trách nhiệm mà tổ tiên phó thác, đối với việc giáo dục các hoàng tử không dám lơ là”.
Tại Trường Xuân Viên có một căn phòng gọi là “Vô Dật Trai” (Phòng học không có sự an dật), là nơi mà hoàng đế dạy học cho con cháu hoàng tộc. Việc đưa trẻ con vào những lớp học này sẽ khiến chúng không trở nên ham chơi đùa, cầu an dật, ưa thoải mái hay lười biếng.
Mỗi ngày, trời chưa sáng Hoàng đế Khang Hy đã thức dậy, đích thân kiểm tra đốc thúc việc học hành của các con, thái tử và các hoàng tử khác. Buổi sáng, các hoàng tử phải đọc thuộc lòng kinh thư, đến chiều học viết, tập bắn, buổi tối thì phúc đáp cho đến tận khuya. Các con của Khang Hy từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành chẳng có ngày nào an nhàn rảnh rỗi.
Mục sư người Pháp sau khi đích thân chứng kiến đã về bẩm báo chi tiết với Hoàng đế Louis 14. Vị mục sư này nói: “Hoàng đế Trung Quốc dùng tình thương của người cha để giáo dưỡng con cái, quả thật khiến người khác phải kính nể”.
Các con cháu của Khang Hy đa số đều là bậc văn võ song toàn, trong đó tiêu biểu nhất là hai đế vương kiệt xuất: Hoàng đế Ung Chính công lao sự nghiệp hiển hách, kiến thức siêu phàm; Hoàng đế Càn Long, nho nhã lỗi lạc, thập toàn thập mỹ.
Chính nhờ nền móng mà Khang Hy tạo dựng đã giúp triều đại Mãn Thanh duy trì được 200 năm thịnh trị. Tất cả con cháu đều được kế thừa nền tảng đạo đức của Hoàng đế Khang Hy, cũng như những triết lý, tư tưởng trong “Đình huấn cách ngôn” mà ông đã soạn ra để giáo dưỡng con cháu.
Trong “Đình huấn cách ngôn” có đoạn viết: “Phàm ở trong thời điểm vô sự phải bảo trì trạng thái như có sự, đề phòng vấn đề có thể xảy ra, như vậy sẽ không có việc ngoài ý muốn. Nếu thời điểm có chuyện xảy ra, lại như vô sự, bình thản ung dung, tĩnh định chính mình để suy xét, thì sự tình sẽ được giải quyết một cách dễ dàng”.
“Thời điểm vô sự thường như có việc”, chính là sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy, lo trước khỏi hoạ; “thời điểm có chuyện phát sinh lại như vô sự”, chính là gặp chuyện không sợ, thong dong ứng phó. Cứ như vậy đối nhân xử thế, kỳ thực là am hiểu thuần thục đạo lý tương sinh tương khắc.
Quỹ đạo phát triển của sự việc là tuần hoàn qua lại, ‘vô sự’ đến cực điểm thì ắt sẽ ‘có sự’ phát sinh, cho nên không thể lười biếng; sự việc phát sinh đẩy lên tới cực điểm ắt thành vô sự, cho nên không thể nôn nóng.
Vì thế, vô sự như có sự hình thành một loại cân đối, có việc tựa như vô sự, cũng hình thành một loại cân đối, điều này trên thực tế là vận dụng âm dương hòa hợp trong xử sự giữa người với người, đây chính là tư tưởng của văn hóa truyền thống.
Lê Hiếu