Vào năm Hội Xương thứ 4 (năm 844) thời vua Đường Vũ Tông, có nhắc đến một nữ đạo sĩ tên Huyền Cơ. Các tài liệu kể về bà được tìm thấy trong “Đường tài tử truyện” của Nguyên Tân Văn Phòng, “Tam thủy tiểu độc” của Vãn Đường Hoàng Phủ Mai và “Bắc mộng tỏa ngôn” của Tống Tôn Quang Hiến v.v. Bà đã bị Kinh Triệu Duẫn Ôn Chương xử tử vào năm Hàm Thông thứ 12 (năm 871) thời vua Đường Ý Tông, vì giết người đồ nhi của mình.
Lý Phưởng vào thời nhà Tống từng ghi lại một đoạn câu chuyện giữa nữ đạo sĩ Huyền Cơ và đồ đệ tên Lục Kiều trong “Thái bình quảng ký” như sau:
Vào thời nhà Đường, tại đạo quán Hàm Nghi ở Tây Kinh, có một nữ đạo sĩ tên là Ngư Huyền Cơ, tự là Ấu Vi. Cô từng là một kỹ nữ đến từ Trường An, xinh đẹp tuyệt trần không ai bì được. Đến mức người ta chỉ vừa nghe đến tên liền sẽ bị mê đắm trước sắc đẹp ấy.
Huyền Cơ thích đọc sách, viết văn, đặc biệt tài đối đáp thơ lại càng là sở trường. Năm 16 tuổi, Huyền Cơ một lòng muốn đi tu, nên đã vào đạo quán Hàm Nghi và trở thành một nữ tu sĩ Đạo giáo.
Những bài thơ của Huyền Cơ sáng tác khi đón gió, ngắm trăng, thường được lưu truyền trong giới văn nhân, thợ mực. Tuy nhiên, cũng giống như hoa cỏ trong khuê phòng, bản tính Huyền Cơ vốn mỏng manh, yếu đuối, nên hay không giữ vững được bản thân, thường bị một số hào cường, hiệp khách dụ dỗ. Vì vậy, mà đã đi du ngoạn và sống chung với họ.
Một số người phong lưu ăn mặc thật đẹp đến xin được gần gũi Huyền Cơ. Có người còn cầm rượu và thức ăn đến chỗ Huyền Cơ để uống rượu mua vui, nhất nhất phải đánh đàn, ngâm thơ cho nhau nghe, có khi còn nói những câu đùa giỡn, lả lơi mà đến cả những kẻ vô tài vô thức đó đều tự thấy hổ thẹn.
Huyền Cơ còn có một nữ đồng tên là Lục Kiều cũng rất thông minh và xinh đẹp. Một hôm, Huyền Cơ được người hàng xóm mời đến chơi nhà, trước khi đi, cô dặn dò Lục Kiều rằng: “Con đừng đi ra ngoài, nếu có khách đến nhà, thì nói là ta đang ở nhà hàng xóm nhé”.
Tuy nhiên, hôm đó Huyền Cơ đã bị người bạn của mình giữ lại, mãi đến tối mới về tới đạo viện. Khi đến nơi, thì thấy Lục Kiều đã đứng đón sẵn ở cửa và nói: “Vừa rồi có một vị khách nào đó đến, con đã nói với anh ta rằng bà không có ở nhà, vì vậy anh ta đã cưỡi ngựa rời đi rồi”.
Vị khách đến tìm Huyền Cơ là người thân thiết nhất với cô, tuy nhiên Huyền Cơ lại nghi ngờ Lục Kiều đã tư tình với anh ta. Nên buổi tối đêm đó, khi đóng cửa lên đèn, cô liền gọi Lục Kiều vào phòng ngủ để tra hỏi xem, cô có tư thông gì với người khách đến hôm nay hay không.
Lục Kiều khi bị tra khảo thì quả quyết nói: “Bao nhiêu năm nay, con chỉ biết cầm khăn bưng nước hầu hạ, mỗi thời mỗi khắc đều chú ý tới hành vi và lời nói của mình để không sinh tà niệm. Chưa từng có chuyện như bà vừa nói. Con cũng chưa từng làm trái ý bà bao giờ. Hơn nữa người khách tới chỉ ở bên ngoài cửa. Con đóng cửa nói với anh ta là bà không ở trong tu viện, vị khách không hề nói gì mà cưỡi ngựa đi luôn. Nếu nói chuyện tình ái, trong tâm của con chưa từng nghĩ đến. Xin bà đừng nên hoài nghi”.
Huyền Cơ nghe xong, càng tức giận hơn, ra lệnh cho Lục Kiều cởi bỏ quần áo và cầm tấm trúc tra khảo cô một cách hung hãn, đánh đến vài trăm trận, nhưng Lục Kiều chỉ nói rằng, cô không có làm chuyện đó.
Lục Kiều bị đánh đến không thể đứng dậy nổi, bèn xin một chậu nước đổ xuống đất, và nói: “Sư Phụ muốn cầu con đường trường sinh bất lão, nhưng lại không thể quên được niềm vui nam nữ. Không chỉ tự bản thân làm như vậy, mà ngược lại còn nghi ngờ người khác và vu cáo hãm hại một người trinh tiết như con, hôm nay con phải chết ở đây rồi, nếu không có trời cao, con sẽ không có nơi nào để kêu oan, còn nếu như có, thì không ai có thể ngăn cản linh hồn của con. Con thề, không thể làm oan hồn trong âm phủ một cách mơ hồ, nhất định phải tố cáo bà lên trời, quyết không để bà tùy tiện phóng túng vô bổ, muốn làm gì thì làm”. Nói xong đến đó thì Lục Kiều cũng trút hơi thở cuối cùng.
Thấy vậy Huyền Cơ sợ hãi, liền đào một cái hố ở sân sau và bí mật chôn xác của Lục Kiều. Tự mình cho rằng mọi việc đã rất kín đáo sẽ không ai biết được.
Vào mùa xuân năm Hàm Thông thứ 9 (năm 868), có người hỏi tới Lục Kiều, thì Huyền Cơ liền nói: “Cô ta đã bỏ trốn sau cơn mưa xuân rồi”.
Một hôm nọ, có người khách đang uống rượu mua vui trong phòng của Huyền Cơ, vì muốn đi tiểu nên đã ra sau vườn. Vô tình lại đi đến ngay chỗ đất chôn Lục Kiều, thì thấy rất nhiều ruồi xanh đậu ở đó, dày đặc cả mặt đất, vị khách đuổi đi nhưng chẳng mấy chốc chúng lại bay trở về.
Lúc này vị khách nhìn kỹ thì phát hiện trên mặt đất hình như có vết máu, hơn nữa còn có mùi tanh. Người khách vội vàng đi về và lén đem chuyện này nói với người hầu của mình, người hầu trở về nhà lại kể sự việc cho anh trai. Mà anh trai của anh ta lại làm việc vặt trong quan phủ, đã từng hỏi Huyền Cơ vay tiền, nhưng Huyền Cơ không cho, từ đó mà ghen ghét Huyền Cơ.
Hôm nay, nghe nói đến chuyện này, ngay lập tức anh ta đi đến cổng Hàm Nghi quán để bí mật tra xét. Nhìn thấy có người xì xào bàn tán nhưng lại ngạc nhiên không thấy Lục Kiều ra vào. Nên anh ta liền gọi một số người tới cầm theo dụng cụ đào bới bất ngờ xông vào vườn sau của Huyền Cơ, đào xác của lục Kiều lên. Dung mạo của Lục Kiều khi đào lên trông vẫn giống như lúc cô còn sống vậy.
Cuối cùng, Huyền Cơ bị đưa đến phủ của Kinh Triệu, trong quá trình thẩm vấn vụ án cô đã nhận tội hoàn toàn. Các quan tại triều có rất nhiều người đã cầu xin thay cho Huyền Cơ, do đó mà quan phủ không biết phải làm sao, đành phải đệ trình vụ việc lên Hoàng Đế.
Đến mùa thu, cuối cùng cũng đem Huyền Cơ ra xử tử. Trong tù Huyền Cơ đã để lại một bài thơ: “Dịch cầu vô giới bảo, nan đắc hữu tâm lang. Minh nguyệt chiếu u khích, thanh phong khai đoản khâm” (dễ tìm được bảo vật vô giá, khó có được người chồng chân tình, trăng sáng chiếu rọi khe cửa u tối, gió mát mở bung tà áo). Có thể thấy cho đến những phút cuối đời cô cũng không thể từ bỏ được bản tính phong lưu của mình, làm lỡ cả một con đường tu Đạo.
Chúc Di