Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần, dưới bút pháp vừa thực vừa hư, ông muốn con người thế gian, những người đang si mê tại chốn “Hồng Lâu” hãy thức tỉnh. Thực tế, ý nghĩa ẩn sau trong câu chuyện chính là huyền cơ tu luyện của Phật gia và Đạo gia.
3. Hồng Lâu Mộng với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn
Chân – Thiện – Nhẫn là nguyên lý căn bản của vũ trụ, ở mỗi tầng thứ, cảnh giới khác nhau nó có biểu hiện khác nhau. Chân – Thiện – Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để xác định cái gì là tốt, cái gì là xấu trong vũ trụ.
Thế gian là thùng thuốc nhuộm lớn, với ba chất nhuộm làm ô nhiễm người ta, đó là: Danh, lợi, tình. Vì danh lợi tình làm ô nhiễm mà con người mất đi bản chất thiện lương tiên thiên của mình, đạo đức bại hoại, nhân tâm đảo điên.
Nếu ai thức giác, biết dựa theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn để điều chỉnh lại con người của mình, nâng cao tâm tính, khôi phục lại đạo đức phẩm hạnh, thì sẽ thoát khỏi sự trói buộc của danh lợi tình, sớm phản bổn quy chân, trở về quê hương đích thực của mình.
Hồng Lâu Mộng kể rằng: Có một khối đá tảng (Thạch đầu) do bà Nữ Oa tinh luyện dùng để vá trời, nhưng còn sót lại, nằm lẻ loi bên chân núi Thanh Ngạnh. Do được tinh luyện nên Thạch đầu có đầy đủ tính linh. Một hôm nó nghe được hai vị Mang Mang đại sĩ và Diểu Diểu chân nhân nói về việc thế gian. Thạch đầu liền xin hai vị này đem nó xuống trần để trải nghiệm “mùi đời”, nó sẵn sàng chấp nhận mọi đắng cay chua ngọt không than oán, miễn sao được nếm trải mới thôi.
Lúc ấy, Thần Anh cũng xin xuống trần để tu luyện nâng cao tầng thứ. Giáng Chu tiên tử vì thọ ân Thần Anh hàng ngày tưới cam lộ cho mình, cũng tình nguyện theo xuống, lấy nước mắt để đền ơn cam lộ của Thần Anh.
Chính như thế, Mang Mang đại sĩ, Diểu Diểu chân Nhân đã mang Thạch đầu cùng Thần Anh, Giáng Chu cho đầu thai xuống trần mà hoàn thành ước nguyện…Đồng thời cũng để Thạch đầu nhắc nhở Thần Anh đừng quá mê trần mà quên cội nguồn.
Qua tìm hiểu nội hàm ở đoạn này, ta có thể nói:
Diểu Diểu chân nhân là người tu theo Đạo, dưỡng tính tu chân, nên tượng trưng cho chữ Chân.
Mang Mang đại sĩ là người tu theo Phật, từ bi cứu khổ, nên tượng trưng cho chữ Thiện.
Thạch đầu (khối đá tảng linh thông), cứng rắn, chai lỳ bất động trước mọi biến động, nên tượng trưng cho chữ Nhẫn.
Như vậy Thạch đầu, Thần Anh và Giáng Chu khi đi đầu thai, đã mang theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để bảo hộ lấy mình.
Khi sinh ra đời với xác thân phàm tục là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc nhờ dựa vào tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, họ hoàn thành tốt trách nhiệm và ước nguyện: Thạch đầu đã trải nghiệm thế thái nhân tình đồng thời giúp Thần Anh tiến bước trên con đường tu luyện qua xác thân Giả Bảo Ngọc. Giáng Chu tiên tử với thân xác Lâm Đại Ngọc đã đem nước mắt để trả nợ ân tình theo như nguyện ước. Cuối cùng họ được phản bổn quy chân, nâng cao tầng thứ của mình.
Dựa vào Chân – Thiện – Nhẫn mà hoàn thành trách nhiệm cùng ước nguyện như thế nào?
Với Thạch đầu, lúc đang làm chủ xác thân Giả Bảo Ngọc: Được xuống trần theo sở nguyện là trải nghiệm mùi đời một cách chân thực (Chân). Nhắc nhở và giúp Thần Anh tiến bước trên con đường tu luyện không quên cội nguồn (Thiện). Nhẫn nại, chịu đựng mọi sóng gió của đời mà không than oán (Nhẫn).
Với Giáng Chu tiên tử lúc đầu thai mang xác thân Lâm Đại Ngọc: Hoàn thành ước nguyện trả ơn hết sức chân thành (Chân). Lấy nước mắt đền trả ân tình (Thiện). Cam chịu mọi đau khổ từ lúc yêu cho đến lúc nhắm mắt lìa trần (Nhẫn).
Ân rưới cam lộ, đền nước mắt,
Nuốt cay ngậm đắng tình chân thật,
Thương yêu tha thứ không hờn oán,
Đền nghĩa tình xưa nên chấp nhận.
Thạch đầu và Giáng Chu nâng cao tầng thứ của mình ra sao?
Với Thạch đầu, đầu tiên chỉ là khối đá tảng đầy đủ tính linh, điều này có hàm ý chỉ một người đang ở cảnh giới bất động tâm trước mọi hoàn cảnh (hòn đá ám chỉ sự chai lỳ không có cảm xúc). Đây là cảnh giới của sơ cấp La Hán, lo tự độ lấy mình (độ kỷ).
Sau khi đầu thai xuống trần nếm trải mùi đời, lúc mãn hạn trở về chốn xưa. Thạch đầu vẫn là khối đá tảng năm xưa, nhưng lần này trên khối đá có bài “Thạch đầu ký” ghi lại đầy đủ hoạt cảnh của trần gian: Bi hoan ly hợp, nhằm cảnh tỉnh thế nhân, giúp người đời thức giác tìm đường phản bổn quy chân. Như vậy, lúc này Thạch đầu đã tạo nên uy đức cho mình, đó là cứu độ chúng sinh. Đây là cảnh giới của Bồ Tát.
Tóm lại Thạch đầu từ lúc xuống trần đến lúc trở về, tượng trưng cho người tu luyện đã nâng cao tầng thứ của mình từ La Hán lên Bồ Tát.
Còn Giáng Chu khi bỏ xác trần, nguyên thần trở về Thái Hư tiên cảnh với quả vị cao hơn trước, đó là Tiêu Tương phi tử.
Qua tìm hiểu hàm ý của đoạn chuyện này trong Hồng Lâu Mộng, ta thấy dù người đời hay người tu luyện, nếu muốn được an lạc và hoàn thành lý tưởng của mình, thì phải biết áp dụng tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn vào sinh hoạt hàng ngày để hóa giải mọi mâu thuẫn cùng nâng cao tâm tính của mình.
Được và mất trong mối tình của Lâm Đại Ngọc
Nếu không có Giáng Chu tiên tử bởi cảm ân đức của Thần Anh thị giả mà nguyện đem nước mắt để báo đền ân ấy, thì làm sao dưới trần gian có Lâm Đại Ngọc khóc cho mối tình của mình với Bảo Ngọc? Mọi sự đều không phải ngẫu nhiên.
Nếu không có một Lâm Đại Ngọc “khổ kỳ tâm chí” tan ruột nát lòng khóc cho mối tình oan trái, thì làm sao Giáng Chu tiên tử nâng cao tầng thứ của mình thành Tiêu Tương phi tử?
Tất cả đều nằm trong quan hệ giữa mất và được: Đại Ngọc chịu đau khổ, chịu mất mát duyên tình, từ đó được tiêu nghiệp, nguyên thần được thăng hoa tầng thứ thành Tiêu Tương phi tử.
Ở dưới cõi trần, cái đau khổ của Đại Ngọc là đau khổ thật sự, là tan nát cõi lòng, thì cái được thăng hoa tầng thứ của Giáng Chu là cái được thực sự, hạnh phúc thực sự nơi cõi vĩnh hằng.
“Mất nhiều được nhiều” là vậy.
Với người đời, muốn được giàu sang hạnh phúc mà không chịu lao động chân chính, chịu phó xuất, thì nếu có giàu sang hạnh phúc thì cũng chỉ là hư ảo. Với người tu luyện nếu không chịu nhọc thân khổ não để giải nghiệp thì không thể nâng cao tầng thứ được.
Chủ hồn và phó hồn
Giới tu luyện nói rằng, trong mỗi người chúng ta đều có chủ hồn (chủ nguyên thần) và phó hồn (phó nguyên thần). Chủ hồn làm chủ xác thân, lo mọi việc sinh hoạt của xác thân ở trần gian, còn phó hồn chủ yếu là lo nhắc nhở chủ hồn sinh hoạt sao cho đúng luân lý đạo đức. Phó hồn có thể xem là “tiếng nói của lương tâm” nơi mỗi người chúng ta vậy.
Hồng Lâu mộng, ngay phần đầu, nói Thạch đầu xuống trần, ngoài việc trải nghiệm tình đời, còn có nhiệm vụ nhắc nhở Thần Anh thị giả không quên cội nguồn, lo tu để trở về. Khi đầu thai xuống trần thì Thạch đầu và Thần Anh có cùng một thân xác mang tên Giả Bảo Ngọc. Vậy ta có thể nói Thần Anh là chủ hồn (chủ nguyên thần) còn Thạch đầu là phó hồn (phó nguyên thần). Nhờ có Thạch đầu cảnh tỉnh mà cuối cùng Thần Anh trong xác thân Bảo Ngọc thức giác tìm đường tu hành là thế…
(còn tiếp)
Chánh Bình, dịch từ Zhengjian.org