Tinh Hoa

Hồng Lâu Mộng: Những lâm ly bi đát trên đời hóa ra là để trả nợ ân tình

Giáng Châu Tiên Thảo chuyển sinh thành Lâm Đại Ngọc, không phải là để gả cho Bảo Ngọc, hoàn thành nhân duyên mỹ mãn, mà là để hoàn trả nước mắt, hoàn trả ân tình tưới nước cam lồ khi cả hai còn ở nơi thiên thượng.

Một đời của Lâm Đại Ngọc là một đời hoàn trả nước mắt, là vì Bảo Ngọc mà khóc hết nước mắt. (Ảnh: Pinterest)

Trong nhân gian nếu không nợ sẽ không gặp gỡ

Thần Anh thị giả ở cung Xích Hà, thấy một cây Giáng Châu Tiên Thảo bên cạnh hòn đá Tam Sinh sắp sửa khô héo, bèn mang nước cam lộ đến để tưới cho cây. Nhờ hấp thụ được linh khí của trời đất và dinh dưỡng từ nước mưa, Tiên Thảo đã sống được rất lâu, và tu luyện thành hình, hóa thành Giáng Châu Tiên Tử.

Sau này Thần Anh thị giả đã động lòng phàm, nên đã hạ giới xuống trần đầu thai thành Giả Bảo Ngọc ở Giả phủ. Để báo đáp ân huệ tưới nước cam lộ của Thần Anh thị giả, Giáng Châu Tiên Tử cũng hạ giới theo và đầu thai vào Lâm gia ở Giang Nam, sau khi mẹ qua đời thì được Giả phu nhân đón đến Giả phủ.

Nàng Giáng Châu trước khi hạ phàm từng nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”.

Cho nên, lần đầu tiên Đại Ngọc gặp Bảo Ngọc đã hết sức kinh ngạc, cảm thấy người trước mặt sao lại trông quen thuộc đến vậy! Bảo Ngọc cũng nói: “Muội muội này ta đã từng gặp rồi!”

Những cuộc gặp gỡ trên thế gian này, đều là sự tương phùng ở một thời – không khác sau một sự biệt ly rất lâu nào đó. Biển người mênh mông, trong vô số hàng vạn hàng ngàn người, nhưng chỉ có duy nhất 2 người họ là tương kiến, tâm linh tương thông, thì ra cũng là định mệnh tiền duyên cả.

Trong nhân gian nếu không nợ sẽ không gặp gỡ. Đại Ngọc đã bị tẩy mất ký ức thì làm sao biết được rằng, cuộc gặp gỡ này, chẳng qua chỉ là sự bắt đầu của chuyện dùng nước mắt để trả nợ.

Ở trong mê không biết thân này là ai

80 hồi đầu của “Hồng Lâu Mộng”, Đại Ngọc tổng cộng đã khóc 37 lần. “Khóc trước ô cửa”, “một mình rơi lệ trong phòng”, “che mặt tự khóc”, “câm nín lặng khóc”, “nước mắt đầm đìa”, “hai mắt sưng húp như quả đào, mặt đầy nước mắt”, “nước mắt giàn giụa chảy xuống”… Đại Ngọc luôn khóc, “thút thít”, “thê thảm”, nhưng sự thật thì tính cách của nàng chẳng qua là do nàng ta thích khóc nên thể hiện như vậy thôi.

Cả đời nàng đau khổ vì tình, khóc rất nhiều vì Bảo Ngọc, khóc đến tận hôm Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa, khóc đến kiệt sức mà chết, mới có thể giải thoát. (Ảnh: Sohu)

Trong cơn mê không biết thân này là ai, Đại Ngọc nhìn không rõ nhân duyên, thường hay buồn bã ấm ức về chuyện được mất ở đời và tình cảm thay đổi của con người. Cả đời nàng đau khổ vì tình, khóc rất nhiều vì Bảo Ngọc, khóc đến tận hôm Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa, khóc đến kiệt sức mà chết, mới có thể giải thoát.

Nếu như Đại Ngọc biết rằng, mỗi một giọt nước mắt, đều là để trả lại cho người đã tưới cho nàng nước cam lộ, năm ấy nàng đã nhận được bao nhiêu giọt cam lộ, thì giờ đây phải trả lại bấy nhiêu giọt nước mắt, đây chính là ý nguyện được nàng phát ra từ kiếp trước, vậy thì có gì phải đau buồn oán thán làm chi nữa?

Thần tiên đã không còn vướng bận thân tình với người phàm

Tình duyên giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc phát sinh bởi việc hoàn trả nước mắt, nên khi nước mắt đã cạn, nợ cũng được trả sạch, Đại Ngọc cũng rời khỏi nhân gian, trở về cõi hư không trên trời, làm Tiêu Tương phi tử ở Tiên cung.

Khi Bảo Ngọc mơ thấy đi lên cõi trời lần thứ hai, đã gặp được Đại Ngọc, Bảo Ngọc không ngăn được nỗi lòng nên đã bộc bạch: “Muội muội ở đây, khiến ta nhớ quá!”, kết quả là bị thị nữ đuổi đi. Tình duyên nhân gian ngắn ngủi, khi nợ tình đã dứt, duyên phận cũng tận.

Đại Ngọc đã trở thành Tiêu Tương phi tử, trông thấy Bảo Ngọc là người trần mắt thịt, làm sao có thể cho phép chàng ta đi lại trên Tiên giới được? Bảo Ngọc thất vọng phát hiện ra rằng, người thân đã mất bao gồm cả Tịnh Văn cũng không ai nhận ra chàng nữa, Thần tiên đã không còn vướng bận thân tình với người phàm.

Nhưng Tiêu Tương phi tử vẫn có thể nhận ra Thần Anh thị giả cùng bậc tiên tử với mình, để đánh thức Bảo Ngọc quay về cõi thần làm tiên, Tiêu Tương phi tử đã lệnh cho Ưu Tam tỷ mang kiếm truy đuổi Bảo Ngọc, dùng một nhát kiếm để chém đứt duyên trần của chàng.

Có thể thấy rằng sau khi Đại Ngọc trở thành tiên, cũng vẫn hết lòng hết dạ với Bảo Ngọc, nhưng điều này đã vượt ra khỏi tình cảm nam nữ riêng tư rồi.

Hạ phàm chẳng qua chỉ là diễn một vở kịch

Cảnh Ảo tiên cô cho Bảo Ngọc mơ thấy lên trời lần đầu tiên, là để cảnh báo cho chàng biết, đừng có si mê mộng ảo nhân gian mà mau chóng quay đầu. Nhưng Bảo Ngọc chưa trải sự đời nên ngây ngô không hiểu: “Tại sao từ xưa đến nay, tình chẳng qua chỉ là ‘món nợ phong nguyệt’?”

Sau chuyến du ngoạn từ cõi trời lần thứ hai trở về, Bảo Ngọc chán ngán với công danh tiền đồ, và xem nhẹ chuyện tình duyên nam nữ. “Khi nhìn thấy linh cữu của muội muội được đưa về, thì không đau lòng rơi lệ nữa”.

Đi qua kiếp hồng trần, trải qua ảo mộng tình yêu, thì mới có thể biết rằng sở dĩ mình hạ phàm chẳng qua chỉ là diễn một vở kịch. (Ảnh: Pinterest)

Bảo Ngọc vô tình, bởi vì cuối cùng chàng đã thấy được tình duyên ở thế gian đều là những chướng ngại, tình chàng ý thiếp trên cõi hồng trần này chính là những món nợ phong nguyệt mà những nam nữ si mê tình ái phải trải nếm mà thôi.

Đi qua kiếp hồng trần, trải qua ảo mộng tình yêu, thì mới có thể biết rằng sở dĩ mình hạ phàm chẳng qua chỉ là diễn một vở kịch, để rồi khiến cho những người xung quanh mình kẻ vui người hờn suốt 19 năm, kịch nào rồi cũng hết, những món nợ đều trả sạch rồi thì cũng phải hạ màn. Thế là Bảo Ngọc đã thay đổi diện mạo bên ngoài, khoác lên người chiếc áo choàng đỏ, cạo trọc đầu đi chân đất, nhẹ nhàng ra đi bước trên con đường hành đạo của một vị tăng lữ.

Giáng Châu Tiên Thảo tu luyện thành hình người không phải vì mục đích gả cho Giả Bảo Ngọc

Giáng Châu Tiên Thảo tu luyện thành hình người rồi hạ phàm vốn không phải để gả cho Giả Bảo Ngọc, hay để hoàn thành mối nhân duyên. Thử nghĩ xem, nếu như nhân duyên như ý, vậy tại sao nàng khóc cạn nước mắt rồi qua đời, và trở lại làm Thần tiên?

Bi kịch mà nhân gian hay nói chính là có tình nhưng không thành quyến thuộc, hết thảy đều là một màn trả nợ không hơn không kém. Những chuyện tình lâm ly bi đát, hóa ra đều chỉ là trả nợ lẫn nhau mà thôi; Những tiếng khóc than ai oán đêm khuya, hay những giọt sầu vương vấn xuân thu đều cũng là những nỗi đa tình bấu víu mà con người tự chuốc trong lúc mê đắm.

Khi chúng ta bị tẩy sạch đi ký ức, oằn mình đấu tranh trong vòng vây của công danh, lợi lộc, lưới tình, thì không còn biết mình là ai hay tại sao mình lại đến đây; và cũng không biết tất cả những khiếm khuyết tồn tại đều chỉ vì trả nợ.  

Chìm đắm trong vai diễn cuộc đời này, chúng ta chỉ biết làm theo kịch bản đã được định sẵn, kẻ này hát xong đến người khác lên sân khấu, cùng nhau diễn một vở kịch lớn. Trong vở kịch thật thật giả giả này, đã thực sự lầm lẫn xem vở kịch nhân gian này chính là quê hương của chính mình mất rồi!

Tuệ Tâm (Theo NTDTV)

Xem thêm: